Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có trên 230km kênh trục chính, 490km bờ kênh, phục vụ tưới tiêu cho gần 147 nghìn ha đất nông nghiệp. Sông Bắc Hưng Hải đi qua địa bàn tỉnh Hưng Yên chiều dài trên 100km. Trong những năm qua, tình trạng lấn chiếm bờ kênh xây dựng trái phép diễn ra ngày càng nhiều hơn. Không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tưới tiêu, cấp nước như nhiệm vụ chính của dòng sông mà còn khiến dư luận nhân dân bức xúc.
Ông Lê Tiến Hùng (thôn Thượng, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết, các lô đất sát dòng sông Bắc Hưng Hải trước đây vốn là ao thả cá rộng cả nghìn mét vuông nay bị nhiều người lạ đổ đất san lấp, đổ móng chuẩn bị xây dựng công trình. "Dân chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư lên UBND xã Vĩnh Khúc, UBND huyện Văn Giang, tuy nhiên đến nay, việc san lấp vẫn diễn ra công khai giữa ban ngày", ông Hùng bức xúc.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại khu vực sông Bắc Hưng Hải, đoạn qua thôn Thượng xã Vĩnh Khúc, một đoạn sát sông có chiều dài giáp mặt đường khoảng 100m hiện đang được quây rào tôn. Bên trong có máy xúc, máy ủi và một số phương tiện thi công. Phía bên trên, một số nhà mái tôn đã được xây dựng trên hành lang sông.
Phía bên kia sông, một loạt công trình nhà ở đã hình thành. Theo người dân, đất hành lang sông Bắc Hưng Hải đã bị bán trái phép từ lâu, hiện nay người dân vẫn còn giấy xác nhận bán đất của lãnh đạo xã trước đây.
Tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, cũng xuất hiện hàng loạt công trình nhà cấp 4 đang được xây dựng sát hành lang sông Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, gần như không có sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Chính quyền thiếu trách nhiệm xử lý
Theo thống kê, có đến 1.036 vụ vi phạm hành lang sông Bắc Hưng Hải trải dài hơn chục năm nay. Đến thời điểm hiện tại, mới xử lý được 193 vụ vi phạm.
Riêng ở tỉnh Hưng Yên, từ đầu năm 2021 tỉnh thực hiện biện pháp ngăn chặn nên số lượng vi phạm mới đã giảm, từ đầu năm có 18 vụ vi phạm hành lang sông, chủ yếu tại các huyện Văn Giang, Ân Thi.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (đơn vị quản lý sông) với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Trong khi Cty không có chức năng xử lý vi phạm mà chỉ phát hiện rồi báo với chính quyền địa phương. Thì chính quyền xã xử lý vẫn chậm chạp, nhiều công trình thành hình rồi mới lập xong phương án xử lý, khiến việc phá dỡ công trình rất khó khăn. Đại diện đơn vị này cho biết, nhiều địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở khu vực vi phạm nên việc xử lý càng khó.
Ông Lương Đình Quyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc xác nhận, trên địa bàn khu Cầu Miễu có việc lãnh đạo thôn bán đất thầu khoán lâu dài cho người dân có biên bản mua bán. Tuy nhiên, toàn bộ đất hai bên bờ sông trước đây đều do thôn bán, xã bán từ những năm 1993-1994, thời điểm này đất lưu không hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải do xã quản lý. "Việc bán đất trước đây của xã là trái thẩm quyền", ông Quyên khẳng định.
Lãnh đạo xã cho biết, để có căn cứ trả lời kiến nghị của người dân, UBND xã đang trong quá trình giải quyết, xác minh từng người cán bộ thôn thời điểm đó, rà soát biên bản trước đây xem nguồn gốc đất của thôn, khi thầu khoán có bàn bạc, thống nhất không.
"Trong thời gian xác minh, UBND xã chỉ đạo lực lượng công an xã đảm bảo giữ nguyên hiện trạng, không cho thực hiện các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất hành lang sông", ông Quyên khẳng định.
Trước đó, vào năm 2019, báo Tiền Phong cũng đã phản ánh hàng loạt công trình xây dựng vi phạm tại hành lang kênh thủy lợi lớn nhất miền Bắc. Lãnh đạo xã Vĩnh Khúc thời điểm đó cho biết, xã không cấp phép xây dựng cho bất cứ hộ dân nào tại hành lang sông Bắc Hưng Hải. Lãnh đạo xã Vĩnh Khúc đã nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm mặc dù đã xử lý quyết liệt nhưng người ta vẫn lén lút xây dựng.
Đến nay, các công trình báo Tiền Phong phản ánh đều đã thành hình và có người sinh sống.