Hệ sinh thái trên trái đất đang 'lâm nguy'

TPO - Trong vòng 50 năm qua, khoảng 73% quần thể các loài hoang dã trên toàn cầu đã suy giảm với tốc độ nhanh chưa từng thấy, kéo theo nguy cơ tuyệt chủng gia tăng và khả năng mất đi các hệ sinh thái khỏe mạnh, dẫn đến những tác động trực tiếp lên cuộc sống của con người. 

Ám ảnh các con số suy giảm

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa công bố Báo cáo Sức sống Hành tinh. Theo báo cáo này, trong 50 năm qua, các quần thể loài hoang dã được giám sát ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã suy giảm -60%. Con số này tại châu Mỹ Latinh và Caribe là -95%, châu Phi -76%.

Sự suy giảm mạnh nhất là ở các hệ sinh thái nước ngọt (-85%), tiếp theo là hệ sinh thái trên cạn (-69%) và sau đó là hệ sinh thái biển (-56%). Mối đe dọa được ghi nhận nhiều nhất với quần thể động vật hoang dã trên toàn thế giới là mất và suy thoái sinh cảnh, chủ yếu do hệ thống sản xuất lương thực gây ra.

Các mối đe doạ tiếp theo đến từ khai thác quá mức, các loài xâm hại và bệnh tật. Quần thể động vật hoang dã ở Mỹ Latinh và Caribe còn bị một mối đe doạ đặc biệt nữa là biến đổi khí hậu. Nơi đây đã ghi nhận mức suy giảm trung bình đáng kinh ngạc là 95%.

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng lớn. Mặc dù có rất nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua các chính sách, chiến lược quốc gia và nhiều dự án, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng, bao gồm nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất.

Loài cầy vằn được ghi nhận tại VQG Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Đây là một trong những loài cầy quý hiếm nhất thế giới. Loài động vật này đang đối mặt với nhiều nguy cơ đe doạ tuyệt chủng.

Nhiều loại thú bị đe dọa

Báo cáo “Đánh giá Đa dạng Sinh học tại Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (BCA) công bố cho thấy, khoảng 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch ở Việt nam đã bị đe doạ.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam, bao gồm cả những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, như khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, khai thác gỗ trái phép, buôn bán trái phép các loài hoang dã, các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng thâm canh nông nghiệp, cũng như các hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của con người.

Ông Chris Hallam, Quản lý Chương trình các Loài Hoang dã và Phòng chống Buôn bán ĐVHD của WWF tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cảnh báo, khi các hệ sinh thái bị phá hủy, chúng sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ mà con người phụ thuộc vào như không khí, nước sạch và đất đai màu mỡ để canh tác. Và kéo theo hệ quả là các hệ sinh thái này càng dễ đẩy tới các điểm bùng phát - nghĩa là bị đẩy quá giới hạn quan trọng, dẫn đến những thay đổi lớn và ít có khả năng đảo ngược.

Vọoc Cát Bà gia tăng số lượng trong thời gian qua nhờ các giải pháp bảo tồn.

Vẫn còn cơ hội phục hồi

Theo các chuyên gia, dù vấn đề suy giảm đa dạng sinh học là rất nghiêm trọng trên toàn cầu nhưng vẫn còn có khả năng cải thiện tình hình.

Số liệu từ Báo cáo Sức sống Hành tinh cho thấy một số quần thể đã ổn định hoặc tăng lên do các nỗ lực bảo tồn hiệu quả, ví dụ như sự gia tăng khoảng 3% mỗi năm, từ năm 2010-2016, của quần thể khỉ đột núi tại dãy núi Virunga ở Đông Phi và sự phục hồi của quần thể bò rừng châu Âu ở Trung Âu. Tuy nhiên, những thành công riêng lẻ này là chưa đủ.

Theo bà Kirsten Schuijt, Tổng giám đốc WWF Quốc tế: "Mặc dù tình hình rất nguy cấp, nhưng chúng ta vẫn chưa tới điểm không thể quay lại. Chúng ta có các thỏa thuận và giải pháp toàn cầu để phục hồi thiên nhiên vào năm 2030, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nhiều tiến triển trong việc thực hiện và hành động chưa cấp bách. Những quyết định và hành động trong năm năm tới sẽ đặc biệt quan trọng đối với tương lai của sự sống trên Trái đất này".

TS. Andrew Terry, Giám Đốc Bảo tồn và Chính sách của Hiệp hội Động vật học London cho rằng: "Chỉ số Sức sống Hành tinh nhấn mạnh sự mất mát liên tục của các quần thể loài hoang dã trên toàn cầu và sự suy yếu của sự sống trên trái đất đang đặt chúng ta vào nguy cơ vượt qua các điểm giới hạn nguy hiểm. Nhưng chúng ta không bị mắc kẹt trong sự mất mát này. Chúng ta biết phải làm gì và chúng ta biết rằng, nếu có cơ hội, thiên nhiên có thể phục hồi - điều chúng ta cần bây giờ là tăng cường hành động và đặt tham vọng cao hơn nữa để đạt được mục tiêu".

Tại Việt Nam, các chuyên gia của WWF chia sẻ, trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác đã triển khai nhiều sáng kiến để ngăn chặn xu hướng đa dạng sinh học và bắt đầu phục hồi đa dạng sinh học.

WWF cam kết và sát cánh cùng Việt Nam triển khai các chương trình lớn nhằm quản lý đa dạng sinh học, thắt chặt quản lý các khu vực được bảo vệ, tạo tác động trên toàn bộ một cảnh quan.

Tổ chức này cũng kêu gọi chính phủ, các tổ chức tài trợ, các tổ chức và lĩnh vực tư nhân tiếp tục hợp tác để mang lại sự giàu có của đa dạng sinh học cho Việt Nam.