Đối với ông Trump, việc khai trương đại sứ quán này là cơ hội để ông thực hiện một lời hứa lúc tranh cử, và cũng là một ví dụ nữa cho thấy ông sẵn sàng đảo lộn những suy nghĩ truyền thống suốt mấy chục năm qua về chính sách đối ngoại và làm những gì những tổng thống Mỹ trước không dám làm.
Nhưng những hình ảnh bạo lực đẫm máu vừa qua là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng thứ mà ông Trump gọi là cuộc đảo chính về đối ngoại sẽ chỉ làm phức tạp hơn triển vọng hòa bình cho Trung Đông mà ông từng nói là muốn theo đuổi.
Nhà Trắng nói rằng bạo lực ở Gaza sẽ không cản trở nỗ lực của họ trong việc tìm kiếm một sự chấm dứt cho xung đột giữa người Israel và người Palestine, nhưng chính quyền Mỹ cũng tuyên bố rất rõ ràng vào ngày 15/4 rằng ông Trump hiện đang đứng ở phía Israel.
“Trách nhiệm trước những cái chết bi thương này thuộc về Hamas”, ông Raj Shah, phó thư ký báo chí Nhà Trắng nói, và gọi Gaza là “miền nam Israel”.
“Hamas cố tình kích thích thô bạo cách phản ứng này, và như ngài ngoại trưởng nói, Israel có quyền bảo vệ mình”, ông Shah nói.
Khi được hỏi liệu Nhà Trắng có thúc giục Israel kiềm chế, ông Shah một lần nữa đổ lỗi cho Hamas, một nhóm vũ trang dòng Sunni. “Đây là một nỗ lực tuyên truyền đáng tiếc và khủng khiếp”, ông Shah nói.
Làn sóng bạo lực lần này nổ ra vào lúc Israel kỷ niệm 70 năm ngày độc lập, còn người Palestine tưởng nhớ ngày thảm họa của họ khi hàng trăm nghìn người bị đuổi khỏi nhà hoặc buộc phải ra đi.
“Suốt nhiều năm, chúng tôi đã không thể thừa nhận thực tế đơn giản và rõ ràng rằng thủ đô của Israle là Jerusalem”, ông Trump nói trong đoạn video được ghi lại để phát trong lễ khai trương đại sứ quán Mỹ mới. “Chúng tôi chìa cánh tay của tình bằng hữu tới Israel, Palestine và những người hàng xóm của họ. Có thể có hòa bình”, Tổng thống Mỹ nói.
Sau đó, tại tiệc chiêu đãi do Đại sứ quán Israel ở Washington tổ chức nhằm kỷ niệm 70 năm độc lập, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gọi việc mở cửa đại sứ quán là bằng chứng nói lên sự cam kết kiên định của ông Trump đối với Israel.
Nhưng cách không khí tiệc tùng ở Jerusalem khoảng 40 dặm, những cuộc biểu tình quy mô lớn từng nổ ra 6 tuần trước lại tái diễn. Khói bốc mù mịt khi hơn 2.000 người bị thương và hơn 50 người thiệt mạng. Trước tình trạng này, Thổ Nhĩ Kỳ rút đại sứ khỏi Israel và Washington, Nam Phi rút đại diện khỏi Israel. Pháp kêu gọi Israel kiềm chế.
“Nhu cầu cấp thiết hiện nay là tái lập các điều kiện để tìm kiếm một giải pháp chính trị trong bối cảnh khu vực vốn đã đối mặt với căng thẳng dâng cao”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói trong tuyên bố nhắc lại quan điểm của Pháp là không ủng hộ Mỹ chuyển đại sứ quán.
Các cố vấn của ông Trump được cho là sắp hoàn tất kế hoạch kiến tạo hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng họ đã mất nhiều tuần nghĩ cách tốt nhất để trình bày nó. Những hình ảnh tương phản gay gắt hôm 14/5 giữa một bên là những người Israel và người Mỹ hoan hỉ tại đại sứ quán Mỹ mới ở Jerusalem với hình ảnh lính Israel nã đạn và bắn hơi cay vào người biểu tình Palestine ở Gaza càng khiến nhiệm vụ của họ khó khăn hơn.
Người Palestine nổi giận khi ông Trump đưa ra quyết định hồi tháng 12 năm về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, và từ đó đến nay từ chối thương lượng với chính quyền Mỹ về các điều khoản nhằm chấm dứt cuộc xung đột từ rất lâu này. Họ cho rằng với việc công nhận Jerusalem và nhanh chóng chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đó, Mỹ đã tự chứng tỏ mình là một bên dàn xếp hòa bình không đáng tin cậy, và từ đó Mỹ đã từ bỏ vai trò điều phối.
Hôm 14/5, ông Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn cấp cao của ông Trump, nói rằng việc chuyển đại sứ quán về Jerusalem không phải là sự từ bỏ tiến trình hòa bình mà là tiền đề cho quá trình đó. Ông Kushner cũng chỉ nói lướt qua về tình trạng đổ máu.
Nhiều nhà phân tích giờ tin rằng kế hoạch mà ông Kushner vạch ra cùng ông David M. Friedman, phái viên của Trump đến Israel, và ông Jason D. Greenblatt, nhà đàm phán quốc tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ, giờ chỉ còn rất ít cơ hội để thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Ông Aaron David Miller, phó chủ tịch Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, người từng là cố vấn cho các tổng thống Mỹ về Trung Đông, nói rằng ông từng coi việc kiến tạo một thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông là “sứ mệnh bất khả thi”, nhưng cho đến ngày 14/5 thì trở thành “sứ mệnh bất khả thi bị phóng đại”.
Còn những người ủng hộ ông Trump cho rằng việc chuyển đại sứ quán và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có thể tác động tích cực đến triển vọng hòa bình, sẽ buộc người Palestine quay lại bàn đàm phán.
Ông Shah cho biết kế hoạch của ông Trump nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestine sẽ được đưa ra “vào thời gian phù hợp”. Hiện tại, tâm điểm ngoại giao của chính quyền Mỹ đang nằm ở chỗ khác, đó là chuẩn bị cho cuộc đối thoại lịch sử về phi hạt nhân hóa giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.