Hé lộ việc Nga – Trung bắt tay thí nghiệm bí mật trên trời

TPO - Trung Quốc và Nga gần đây hợp tác can thiệp vào một tầng khí quyển quan trọng trên bầu trời châu Âu để thử nghiệm công nghệ có khả năng ứng dụng cho mục đích quân sự, báo Hong Kong SCMP dẫn lời các nhà khoa học Trung Quốc tham gia dự án cho biết.
Vệ tinh Trương Hành-1 của Trung Quốc thu thập dữ liệu từ quỹ đạo bằng các thiết bị cảm ứng hiện đại. (Ảnh: SCMP)

Tổng số 5 cuộc thử nghiệm được thực hiện vào tháng 6 năm nay. Cuộc thử nghiệm ngày 7/6 đã gây xáo trộn vật lý trên khu vực rộng tới 126.000km2, tương đương một nửa diện tích nước Anh. 

Nơi diễn ra cuộc thử nghiệm là bầu trời Vasilsursk, một thị trấn nhỏ của Nga ở đông Âu, đã chịu một cú sốc điện lớn khi phải tiếp nhận lượng hạt hạ nguyên tử tích điện âm lớn gấp 10 lần các vùng xung quanh.

Trong một thí nghiệm khác vào ngày 12/6, nhiệt độ của lớp khí mỏng, được i-ông hóa ở tầng cao bị tăng thêm hơn 100 độ C sau khi bị bơm một lượng lớn các hạt electron.

Lượng hạt đó được bơm lên bầu trời từ Sura, một trạm đốt nóng khí quyển ở Vasilsursk do quân đội Liên Xô xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh.

Căn cứ Sura với hàng loạt ăng-ten công suất cao có thể phóng các chùm vi sóng vào khí quyển. Công suất cực đại của các sóng radio tần số cao có thể đạt đến 260 megawatts, đủ để thắp sáng một thành phố nhỏ.

Trương Hành-1, vệ tinh giám sát điện từ của Trung Quốc, đã thu thập dữ liệu nhờ các thiết bị cảm ứng hiện đại. Cần phối hợp hoạt động phóng điện với vị trí bay của vệ tinh để có thể đo lường hiệu quả.

Ví dụ khi vệ tinh này đến gần vùng thử nghiệm, các thiết bị cảm ứng sẽ chuyển sang chế độ chụp phân tích mẫu với tần suất nửa giây một lần, nhanh hơn nhiều tốc độ bình thường, nhằm tăng độ phân giải của dữ liệu. Kết quả thu được rất “thỏa mãn”, nhóm nghiên cứu kết luận trong bài viết đăng trên số mới nhất của tạp chí Vật lý trái đất và địa cầu của Trung Quốc.

“Việc phát hiện sự xáo trộn plasma...giúp bảo đảm thành công cho các thử nghiệm liên quan trong tương lai”, các nhà nghiên cứu viết.

GS Guo Lixin, hiệu trưởng trường vật lý và kỹ thuật quang điện tử thuộc ĐH Xidian ở Tây An và là nhà khoa học hàng đầu về công nghệ điều khiển tầng điện ly ở Trung Quốc, nói rằng việc Trung Quốc và Nga hợp tác tiến hành các cuộc thử nghiệm trên là cực kỳ hiếm, vì “công nghệ liên quan quá nhạy cảm”.

Mặt trời và các tia từ vũ trụ phóng ra một lượng lớn các hạt nguyên tử mang điện tích dương bay tự do ở độ cao 75-1.000km. Lớp khí quyển, còn gọi là tầng điện ly, phản chiếu các sóng radio giống như một cái gương. Tầng điện ly cho phép các tín hiệu radio bật lên một quãng đường xa để truyền thông tin.

Trong mấy chục năm qua, quân đội một số nước chạy đua với nhau để kiểm soát tầng điện ly.
Căn cứ Sura ở Vasilsursk là căn cứ quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được xây dựng vì mục đích này. Ra đời năm 1981, căn cứ này cho phép các nhà khoa học Liên Xô điều khiển bầu trời như một công cụ phục vụ mục đích quân sự, như liên lạc với tàu ngầm.

Các tia vi sóng năng lượng cao có thể làm nảy trường điện từ trong tầng điện ly giống như khi ngón tay gảy đàn hạc. Đặc tính này giúp tạo ra các tín hiệu radio tần số thấp, có khả năng thâm nhập xuống đất hoặc đại dương ở độ sâu hơn 100m, từ đó trở thành phương pháp liên lạc với tàu ngầm.

Thay đổi tầng điện ly trên vùng lãnh thổ của kẻ thù có thể gây gián đoạn hoặc chặn đứt liên lạc của họ với các vệ tinh.

Dàn ăng-ten ở căn cứ Sura của Nga. (Ảnh: SCMP)

Có thể điều khiển vùng biển Đông

 Quân đội Mỹ đã học Nga và xây cở sở lớn hơn nhiều để thực hiện những thử nghiệm tương tự.
Chương trình nghiên cứu cực quang chủ động tần số cao (HAARP), được thành lập ở Gakona, bang Alaska, trong những năm 1990 với nguồn tiền từ quân đội Mỹ và Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến.

Căn cứ HAARP có thể tạo ra luồng điện tối đa là 1 gigawatt, gấp gần 4 lần khả năng của Sura.
Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở lớn hơn và hiện đại hơn ở TP Tam Á trên đảo Hải Nam, có khả năng điều khiển tầng điện ly trên toàn bộ khu vực biển Đông, báo SCMP đưa tin.

Có nhiều lo ngại rằng những cơ sở như vậy có thể bị sử dụng để thao túng thời tiết, hay thậm chí tạo ra các thảm họa thiên nhiên như bão lớn, lốc xoáy và động đất.

Một số người chỉ trích cho rằng sóng tần số cực thấp mà những căn cứ như vậy tạo ra cũng có thể tác động đến cả hoạt động của não người. Nhưng TS Wang Yalu, công tác tại Cục quản lý động đất Trung Quốc và là người tham gia cuộc thử nghiệm hồi tháng 6, bác bỏ thông tin này.

“Chúng tôi chỉ nghiên cứu khoa học đơn thuần. Nếu có điều gì khác liên quan, tôi không được thông báo về điều đó”, bà Wang nói.

Cục quản lý động đất Trung Quốc tham gia vào các cuộc thử nghiệm trên vì Trương Hành-1 (được phóng từ tháng 2 năm nay) là vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc có thể thu các tín hiệu báo trước động đất. Vệ tinh này do quân đội Trung Quốc quản lý và phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự.

Trong thử nghiệm chung của Nga và Trung Quốc, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng ngay cả với nguồn điện vào chỉ 30MW, chùm tín hiệu radio có thể gây xáo trộn trên một vùng lớn. Họ cũng tìm ra rằng hiệu quả đó sẽ giảm mạnh sau khi mặt trời lên, vì những nhiễu loạn nhân tạo dễ ánh sáng Mặt trời làm mất đi.

“Không phải chúng tôi đang tranh việc của Chúa. Chúng tôi không phải nước duy nhất hợp tác với Nga. Các nước khác cũng đang làm điều tương tự”, SCMP dẫn lời một nhà nghiên cứu giấu tên có tham gia vào dự án.

Theo một số bài viết trên các tạp chí chuyên ngành, căn cứ Sura cũng đã có thử nghiệm chung với Pháp và Mỹ. Theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc, các nước hợp tác với nhau một phần vì họ phải giải quyết rất nhiều vấn đề khoa học và kỹ thuật.

Ví dụ, dù các nhà khoa học đều đồng ý rằng những nhiễu loạn nhân tạo có thể gây bất thường trên tầng điện ly, nhưng điều đó xảy ra như thế nào và tại sao vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Các nhóm nghiên cứu khác nhau đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau.

GS Gong Shuhong, một nhà nghiên cứu về công nghệ viễn thông quân sự tại ĐH Xidian, cho biết ông theo dõi rất sát thí nghiệm của Nga và Trung Quốc.

“Năng lượng được phóng lên quá thấp để có thể gây ra một sự kiện môi trường toàn cầu. Tác động của con người vẫn rất nhỏ so với sức mạnh của Mẹ thiên nhiên. Nhưng tác động lên một khu vực nhỏ là có thể”, ông Gong nói.

Về lý thuyết, hiệu ứng bươm bướm vỗ cánh có thể được khuếch đại trong một hệ thống thời tiết phức tạp và gây bão ở một nơi xa vài tuần sau đó.

“Những nghiên cứu như vậy phải tuân thủ chặt chẽ các chỉ dẫn về đạo đức. Bất kể họ làm gì thì cũng không được gây hại cho con người trên hành tinh này”, ông Gong nói.

Theo theo SCMP