Điểm nổi bật của mùa thi này là các dự án đều hướng đến cộng đồng, tạo ra giá trị thực tiễn thay vì chỉ là những ý tưởng “trên giấy”. Hành trình kéo dài 2 tháng này đã thử thách không chỉ khả năng mà còn cả sự kiên trì của các bạn trẻ.
Óc quan sát tinh tế…
Những sinh viên tài năng trong đêm chung kết đại diện cho chân dung của sinh viên thế hệ mới ở khả năng quan sát tinh tế để tìm ra những điểm “hóc” của thị trường. Dự án Tell Me của Đại học Y Hà Nội – một sáng kiến nhân văn, hướng đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người nhà bệnh nhân – những người chịu áp lực lớn khi đồng hành cùng bệnh nhân trong bệnh viện.
Trong khuôn khổ dự án, các hoạt động như văn nghệ, yoga cười, trạm thông tin và đường dây nóng đã được triển nhằm giúp người nhà bệnh nhân giảm bớt căng thẳng. Đặc biệt, Tell Me còn sử dụng chatbot AI để cung cấp thông tin sức khỏe tinh thần, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận kiến thức phù hợp và hỗ trợ bác sĩ trong việc đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần.
Vượt qua những hạn chế về nguồn lực và sự hỗ trợ từ các đơn vị liên quan, đội thi đã tiếp cận được 450 – 500 người nhà bệnh nhân tham gia các chương trình và 480 lượt truy cập trang web cùng 213 lượt tư vấn tâm lý, hứa hẹn tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng sau chương trình.
… song hành cùng khả năng sáng tạo thực thi
Minh chứng cho giá trị của việc đào tạo bài bản và tinh thần sáng tạo thực tiễn khi áp dụng kiến thức vào đời sống, dự án Aloi của sinh viên Đại học Bách Khoa TP.HCM đã toả sáng với ý tưởng màng bọc thực phẩm từ nha đam – một giải pháp thân thiện với môi trường và có tiềm năng ứng dụng rộng rãi.
Điểm độc đáo của Aloi là sử dụng công nghệ AI để tối ưu hóa quá trình điều chế nhờ tạo ra công thức tối ưu dựa trên tính chất và yêu cầu của sản phẩm. AI không chỉ rút ngắn thời gian nghiên cứu mà còn tăng độ chính xác trong phát triển sản phẩm, mở ra tiềm năng thương mại hóa trong tương lai.
Nhờ sự hỗ trợ từ trường và hợp tác với doanh nghiệp, dự án đã có cơ hội tham gia các sự kiện lớn, giúp kết nối sản phẩm với thị trường và đưa vào thử nghiệm tại các siêu thị và cửa hàng bách hóa. Như bao nghiên cứu khoa học khác, Aloi cũng đã nhiều lần gặp phải những rào cản kỹ thuật, nhưng ý chí vì cộng đồng và xã hội đã thôi thúc các bạn hoàn thành dự án, mang đến những đóng góp thiết thực cho môi trường.
Cân bằng giữa ý chí và hiện thực
Thay vì chỉ tập trung vào quá trình hay kết quả, các sinh viên bước vào Chung kết của Sinh Viên Thế Hệ Mới 2024 đã khẳng định được khả năng cân bằng giữa mục tiêu sống và năng lực của GenZ Việt Nam.
Trong đó, đội SignBySign (SBS) từ Đại học Ngoại Ngữ nổi bật với lý tưởng lan tỏa ngôn ngữ ký hiệu, tạo kết nối bền chặt giữa cộng đồng khiếm thính và xã hội. Dự án của họ không chỉ cung cấp kỹ năng ngôn ngữ mà còn xây dựng môi trường giao tiếp hòa nhập, xóa bỏ rào cản, nhằm phục vụ khoảng 25 triệu người khiếm thính ở Việt Nam – những người đa phần chưa tiếp cận được ngôn ngữ ký hiệu.
Bất chấp lịch học dày đặc, các thành viên đã dành thêm nhiều thời gian và công sức để thực hiện dự án, từ tổ chức các buổi giao lưu đến truyền cảm hứng trực tuyến. Dự án đã thu hút gần 46K lượt tiếp cận trên Facebook, 18.7K người theo dõi trên TikTok và hơn 600 học sinh tham gia các hoạt động cộng đồng. Tinh thần kiên định, không bỏ cuộc của SBS, ngay cả khi phải vượt qua vòng bổ sung, đã làm sáng lên hình mẫu của một thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm.
Sinh Viên Thế Hệ Mới 2024 không chỉ là một cuộc thi, mà là hành trình ý nghĩa để các bạn trẻ Việt Nam phát triển toàn diện, với sự đồng hành của huấn luyện viên, ban cố vấn, những người bạn tinh thần như Khánh Vy, Double 2T và sự hỗ trợ từ Herbalife Việt Nam. Chương trình đã nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái, truyền cảm hứng cho một thế hệ sẵn sàng góp phần vào một tương lai bền vững và nhân văn.