>> Ấn tượng của các tài năng trẻ sau buổi đối thoại
>> Trò chuyện với đại biểu trẻ nhất Đại hội
Nguyên Phó Thủ Tướng Vũ Khoan nói tại buổi đối thoại 'Diễn đàn kết nối tài năng Việt' diễn ra chiều nay 12/9 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội.
Các đại biểu trước giờ tham gia diễn đàn “Kết nối tài năng Việt”. Ảnh : Hồng Vĩnh
Trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ Nhất do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, 450 tài năng trẻ Việt Nam đã tham gia "Diễn đàn kết nối Tài năng Việt". TPO tường thuật trực tuyến diễn đàn này.
Đúng 14 giờ 30, Diễn đàn được bắt đầu tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội với chương trình ca nhạc chào mừng do những nghệ sĩ trẻ thể hiện.
Các vị khách mời tham gia diễn đàn kết nối tài năng Việt: Ông Vũ Khoan – Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; anh Võ Văn Thưởng – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn; ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT; bà Trần Thu Hà – Nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội; bà Cao Thị Ngọc Dung – Tổng Giám đốc Cty vàng bạc đá quý Phú Nhuận; Giáo sư Võ Tòng Xuân – Nguyên Hiệu trưởng Đại học An Giang.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
14 giờ 40, 3 đại biểu tài năng trẻ được mời để chia sẻ về những bối cảnh để phát triển tài năng của mình. Trước hết là bạn Hoàng Văn Định – Công an tỉnh Quảng Ninh.
Bạn Định cho rằng, bối cảnh để phát triển tài năng của người trẻ tại đơn vị công tác là sự tin tưởng, giao nhiệm vụ của cấp trên, cũng như sự động viên của đồng nghiệp.
Tiếp đó, bạn Nguyễn Trần Ngọc Hiếu – Bác sĩ quân y, chia sẻ về đam mê theo ngành Y: Tôi chọn nghề Y và muốn theo đuổi nghề nghiệp suốt đời ngay từ khi học lớp 5, khi đó kinh tế khó khăn, sức khỏe của ông, bà, bố mẹ tôi không tốt do ảnh hưởng của chiến tranh, từ đó trong tôi hình thành quyết tâm theo đuổi nghề bác sĩ, đem tài năng chăm sóc cho nhân dân.
Hãy nuôi khát vọng nhưng đừng tham vọng!
Ông Vũ Khoan – nguyên phó Thủ tướng và GS. TS Đào Trọng Thi là hai khách mời đầu tiên được mời giao lưu với các đại biểu.
- Ông có suy nghĩ gì về câu chuyện của các bạn trẻ vừa rồi?
Ông Vũ Khoan: Nghe câu chuyện của các bạn trẻ tôi nhận ra những nhân tố để làm nên một người tài: Thứ nhất là bạn phải có tài năng trời phú (ví dụ như bạn Sang được trời phú cho tài đánh võ chứ tôi làm sao đánh được võ…). Nhưng bên cạnh đó bạn phải có cố gắng, rèn luyện, học tập thì mới thành tài được; thứ ba là có tài nhưng phải được dùng, dao muốn sắc phải được mài (thủ trưởng ưu ái, tập thể giúp đỡ…).
- Nhân đây ông có thể chia sẻ những kỷ niệm thời trẻ, trong hoàn cảnh như thế nào mà ông có thể phát huy được tài năng của mình?
Ông Vũ Khoan: Tôi xin nói là tôi không tài mà là người may mắn! Đầu những năm 70, sau khi hiệp định Paris được ký kết, trên đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Ngoại Giao phải nghiên cứu làm sao đề xuất được đánh giá nếu ta giải phóng miền Nam thì phản ứng của các nước như thế nào. Tôi vào nhóm nghiên cứu đó. Sau đó thì giữa những năm 80, tôi được huy động làm công tác tổ chức, và cuối những năm 80 thì làm công tác kinh tế của Bộ Ngoại Giao. Khi đó, Thủ trưởng nói tôi chịu khó mày mò, nghiên cứu tình hình các nước như thế nào, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nghiên cứu chống lạm phát của các nước ra sao để có thể áp dụng vào Việt Nam.
- Bạn Vũ – Đại học Quốc gia Singapore hỏi: 20 tuổi, bác có nghĩ mình là Phó thủ tướng không? Bác có lời khuyên gì cho giới trẻ hiện nay?
- Ông Vũ Khoan: Hoàng đế Napoleon của Pháp lừng danh thế giới, có nói: Mỗi người lính luôn phải giữ trong ba lô một cái gậy của thống soái, phải có khát vọng.
Tôi nghĩ rằng, nếu quá tham vọng và tìm cách luồn lách, có thể có chức tước nhưng không thể là người tài. Còn cứ làm việc chăm chỉ, có khát vọng, có lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng hay không là chuyện trời cho. Phải có khát vọng cống hiến hết mình.
Lời khuyên rút ra là: Hãy nuôi khát vọng nhưng đừng tham vọng!
Phải có người biết dùng và dám dùng người tài
- Bạn Bùi Thị Minh Châu, cựu sinh viên trường Đại học quốc gia TP.HCM hỏi: Hiện nay có nhiều sinh viên giỏi khi ra trường chọn công ty nước ngoài làm việc, một số người cho rằng những sinh viên đó thực dụng, không yêu nước nhưng cũng có người cho rằng họ tìm được môi trường thích hợp để cống hiến và qua đó tìm một cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, bên cạnh đó là đóng góp phần nào trong việc xây dựng đất nước thì đó là quyền của họ. Theo bác, ý kiến nào đúng hơn?
- Ông Vũ Khoan: Thứ nhất, bất kì anh làm ở đâu thì vẫn là phục vụ cho đất nước VN, không phải cứ làm cho doanh nghiệp nhà nước thì mới cống hiến được. Chúng ta không nên phân biệt, vấn đề là cống hiến như thế nào.
Thứ hai, vấn đề mà nhiều người băn khoăn là cơ quan nhà nước vẫn chưa tạo được động lực cho thanh niên làm việc để cống hiến.
Động lực có cả 2 mặt, quan trọng nhất là tinh thần (không khí làm việc sáng tạo, động viên được khát khao đóng góp…thì không khí này chưa có). Thứ hai là động lực về vật chất, lương của chúng ta còn quá eo hẹp, chưa động viên được người tài cống hiến. Nếu không sửa được 2 cái này thì khó thu hút người tài.
Cá nhân tôi cũng có phần trách nhiệm của mình và mong là các đồng chí đại diện cho Đảng và nhà nước ở đây thay đổi được tình thế đó, tạo ra 2 động lực để các cháu cống hiến.
- Mở đầu bằng câu nói vui “Cháu hiện còn đi học và cũng có tính hay cãi như bác Vũ Khoan. Khi cãi thì cháu phải cãi đến khi đúng thì thôi”, một bạn nữ sinh đặt câu hỏi với nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan “Ở thời kỳ của các bác, để phát hiện ra các tài năng thì các bác làm như thế nào?”.
- Ông Vũ Khoan: Để phát hiện ra tài năng trẻ, trước tiên phải trải qua thử thách giống như lửa thử vàng, gian nan thử sức. Ở thế hệ chúng tôi, may mắn hơn các bạn là phải trải qua nhiều thử thách ghê gớm. Dù không phải đổ nhiều máu nhưng lĩnh vực của chúng tôi khi đó đòi hỏi nhiều trí tuệ.
Về việc chọn người tài thì theo tôi yếu tố đầu tiên phải là trải qua thử thách. Yếu tố thứ hai là ở thời đó cũng như thời nay phải có người biết dùng và dám dùng người tài.
Chúng ta hãy nhìn lại trong lịch sử, sau năm 1945 Bác Hồ đã dùng người tài như thế nào? Bác đã dùng nhiều người là thành viên của chính quyền trước đó như dùng ông Phan Kế Toại làm Phó Thủ tướng, ông Bùi Bằng Đoàn, Bác cũng dùng nhiều khác làm làm Bộ trưởng, giữ các chức vụ trong chính phủ.
Bác Hồ dùng người tài cũng là dùng người trẻ. Nhìn các trường hợp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Theo tôi, yếu tố quan trọng vẫn là phải qua rèn luyện trong thử thách và người lãnh đạo dám dùng người tài, biết dùng người tài.
Trao đổi sâu hơn vấn đề này, GS, VS Đào Trọng Thi cho rằng, nếu phân tích việc tuyển chọn những người tài như chọn các viên ngọc một cách sâu hơn, thì khi nói, tìm các viên ngọc giữa các viên đá thì bản chất đã là ngọc rồi và việc của chúng ta là phải rèn dũa những viên ngọc này để chúng sáng hơn.
Ông cho rằng, phát hiện tài năng ở đây mới chỉ là các tiềm năng, mầm mống. Khâu rèn luyện, đào tạo, thử thách là những yếu tố quan trọng hơn góp phần quan trọng trong việc rèn dũa chất ngọc đó. Yếu tố này rất quan trọng. Đây cũng là phản ánh đúng thực tiễn, mặt khác nhấn mạnh vai trò đào tạo bồi dưỡng của nhà trường trong việc đào tạo, phát triển tài năng.
Không sợ nhân tài che khuất mình
MC hỏi ông Đào Trọng Thi: Làm thế nào để phát hiện và phát huy tài năng của người trẻ?
Ông Đào Trọng Thi lấy ví dụ về mô hình của ĐHQG Hà Nội để trả lời câu hỏi này.
Ông Thi cho biết: Cách đây trên chục năm, ĐHQGHN hình thành đề tài đào tạo cử nhân khoa học tài năng. Sau đó, mô hình này trở thành quan trọng ở nhiều trường đại học và các cấp học.
Trước khi thực hiện đề án này, khoa học cơ bản ít được quan tâm, học sinh giỏi thường thi vào kinh tế, ngoại ngữ... Vì thế, để thu hút học sinh giỏi nhất, chúng tôi hình thành đề án đào tạo khoa học tài năng, tiếp nối kinh nghiệm truyền thống đào tạo học sinh khối chuyên ở bậc THPT.
Đề án phân tích các khâu phát triển tài năng thế nào. Phát hiện không đơn thuần là tổ chức một kỳ thi, tìm học sinh xuất sắc mà dựa vào nhiều nguồn: Hệ thống các trường chuyên, các lớp đào tạo năng khiếu ở tiểu học, thi học sinh giỏi... Tất cả được xem là nguồn để tuyển chọn trên nguyên tắc lấy thành tích của học sinh ở lớp chuyên, thi học sinh giỏi để chọn chứ không tổ chức thi.
Về chương trình, phải sâu hơn, đòi hỏi tư duy nhiều hơn chứ không đơn thuần là tập luyện làm các bài toán khó. Những học sinh đó, sau khi tốt nghiệp đại học được chuyển tiếp sau đại học ở trong, ngoài nước.
Bạn Nguyễn Văn Dũng, hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Lào Cai đặt câu hỏi cho ông Vũ Khoan: Dân tộc VN nổi tiếng cần cù, nhân tài VN đời nào cũng có, nhưng bản thân cháu thấy trong công tác tìm kiếm nhân tài thì tương đối tốt nhưng bồi dưỡng, sử dụng thì yếu quá. Bác có thể chia sẻ những biện pháp làm thế nào để chúng ta tránh lãng phí chất xám?
Ông Vũ Khoan: Câu trả lời đã nằm trong chính câu hỏi của cháu đấy. Như tôi đã nói, nếu không sớm sửa khâu sử dụng thì nhân tài sẽ bị lãng phí. Chúng ta cứ ngồi kêu ca nhưng biện pháp làm chất xám ngừng chảy thì quá ít. Trung ương Đoàn cũng đang nghiên cứu vấn đề này và mời tôi vào hội đồng, nhằm đề xuất với Đảng và Nhà nước những biện pháp tốt nhất để bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.
Nhân tài là một khái niệm rộng, không thể đưa ra một đơn thuốc chung cho tất cả. Nhưng theo tôi thì có 3 biện pháp chủ yếu sau. Thứ nhất : người sử dụng phải dám dùng người tài, không sợ nhân tài đó che khuất mình. Thứ 2: đã dùng người tài thì đừng đố kị, phải dành cho người ta những ưu đãi, chế độ đặc biệt. Thứ 3: phải tôn trọng họ, người tài thường có tật, nhưng những tật nhỏ thì phải lượng thứ và dùng cái tài là chính. Bác Hồ cũng đã nói đến vấn đề này rồi.
Nói chung, đây là một vấn đề lớn và cần có sự vào cuộc của nhà nước, cũng như một quá trình lâu dài. Trên quan điểm cá nhân tôi chỉ chia sẻ 3 điểm chính như trên!
Chương trình tiếp tục với những câu chuyện từ các đại biểu tài năng trẻ :
Nghệ sĩ cải lương Quế Trân (28 tuổi) cho biết, để đạt được danh hiệu nghệ sĩ như hiện nay Trân đã phải rất vất vả rèn luyện theo nghề cha truyền con nối từ khi mới 8 tuổi. Trân đến với nghiệp hát cải lương với niềm đam mê và ý thức kế thừa truyền thống của gia đình.
Để thành danh Trân phải trải qua 20 năm luyện tập với những buổi tập vất vả để luyện thanh, tập diễn, tập diễn hài, đóng vai kép, tập vũ đạo. Để diễn tốt một vai diễn không chỉ đơn giản là diễn mà phải tập, phải tìm tòi, quan sát. Vai diễn đáng nhớ nhất với nữ nghệ sĩ này là Thiên kiều công chúa tại giải thưởng Trần Hữu Trang khi mới 18 tuổi.
Với vai diễn đó, Trân cảm thấy mình đã không phụ lòng tin tưởng của gia đình. Gần đây nhất, Trân vào vai phải giả điên, bạn đã phải vào trung tâm điều trị cho những người điên để quan sát. Còn khi diễn một vai diễn người ăn chơi, vai diễn có màn múa võ thì cũng phải đi học, quan sát sao cho đúng với thực tế nhất.
Sau khi chia sẻ với Quế Trân, MC Anh Vũ gặp gỡ ba tài năng trẻ trong hội trường.
Bạn Ngô Mộng Quân – sĩ quan quân đội cho biết: Tài năng do 99% rèn luyện, chỉ 1% do trời phú. Từ nhỏ, tôi luôn ham học và vì thế mới được như hôm nay. Nhờ thầy cô phát hiện, tôi được giải Hóa và vào đội tuyển quốc gia, rồi sau đó vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Tôi luôn cố gắng, đưa tình thần trách nhiệm lên trên hết để hoàn thành nhiệm vụ
Nghệ sĩ Lê Minh Phước chia sẻ về con đường trở thành một nghệ sĩ. Đó là một con đường gian nan, với 14 năm hoạt động nghệ thuật. Đến nay, anh nhận được rất nhiều huy chương trong lĩnh vực nghệ thuật.
Bạn Nguyễn Hồng Chương (người đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy gieo hạt nông nghiệp) nói về công trình nghiên cứu máy của mình: “Khi bắt tay vào nghiên cứu máy gặt trong hai tháng, hàng xóm nói tôi không thể chế tạo máy. Nghe cũng buồn nhưng vẫn đi vào con đường mình đã chọn”.
GS. TS Trần Thu Hà – Giám đốc nhạc viện Hà Nội và ông Dương Viết Roãn - Chủ tịch hội đồng quản trị, tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5). Ảnh : Hồng Vĩnh
Tiếp tục cuộc giao lưu với sự tham gia của GS. TS Trần Thu Hà – Giám đốc nhạc viện Hà Nội và ông Dương Viết Roãn - Chủ tịch hội đồng quản trị, tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5)
- Vai trò của một tài năng đối với một xã hội, quốc gia là gì thưa bà?
Bà Trần Thu Hà chia sẻ: Tôi không dám nhận mình là tài năng. Tôi chỉ muốn nói là có may mắn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật lâu năm, được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật.
Tôi cũng muốn chia sẻ với các đại biểu là trong nghệ thuật phải có cả chặng đường gian khổ, phải đổ mồ hôi và nước mắt. Muốn thành tài phải ngót nghét 20 năm và sau đó phải tiếp tục phấn đấu rèn luyện. Với các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp thì càng phải luyện tập hơn nữa.
Có những bạn trẻ khi đạt được thành tích cao thì mỗi ngày bên cạnh việc học văn hóa phải mất thêm từ 3 đến 5 tiếng nữa để luyện tập. Có những lúc các bạn trẻ cảm thấy không còn sự thích thú nhưng vẫn phải luyện tập để đạt được chặng đường vinh quang.
Bà Trần Thu Hà: Tài năng của đất nước có thể nói chính là những công dân có chất lượng cao. Và có lẽ tất cả chúng ta đều có quan điểm rằng vai trò của họ đối với sự phát triển của đất nước là rất lớn.
- Thưa ông Roãn, ông có thể cho biết làm thế nào để một tài năng thể hiện được vai trò xã hội của mình?
Ông Dương Viết Roãn: Trước hết, muốn thể hiện vai trò của mình đối với xã hội thì phải làm tốt công việc của mình, đó cũng đã là góp phần trực tiếp vào việc phát triển xã hội. Ví dụ, lập công ty thì anh phải tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đó là đã đóng góp cho xã hội.
Thứ hai, các bạn cần phải tham gia vào nhiều hoạt động của xã hội, đặc biệt là những tổ chức xã hội nghề nghiệp để có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
- Một đại biểu trẻ đến từ Huế: Thưa bà Hà, theo bà thì tố chất gì mà một sinh viên tài năng cần có?
Bà Trần Thu Hà: Khái niệm tài năng tương đối rộng. Nhưng theo tôi, trước tiên một tài năng phải có năng khiếu trời cho. Thứ hai: phải có sự kiên trì, khổ luyện để trở thành tài năng. Thứ ba: vai trò của người thầy đối với một nhân tài rất quan trọng, không thể tách rời. Ví dụ như trong lĩnh vực nghệ thuật thì người thầy đóng góp công lớn trong việc một tòa năng tỏa sáng.
Sự sàng lọc trong nghệ thuật rất khắc nghiệt, nhưng tôi tin với lòng đam mê, kiên trì lao động trong nghệ thuật các bạn sẽ trở thành tài năng của đất nước trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung.
- Thưa ông Roãn, ông có thể chia sẻ quá trình rèn luyện bản thân để có được thành công?
Ông Dương Viết Roãn: Khi tôi ra trường năm 1987, công việc chưa có sự giúp đỡ của máy tính. Nếu làm sai, phải sửa rất mất thời gian nên phải nghiên cứu rất kỹ. Vì thế, khi làm việc, tranh luận là rất quan trọng. Tranh luận để bày tỏ ý kiến của mình, cũng như học hỏi được người khác.
Ngoài ra, tôi cũng dám nhận công việc cao hơn so với sức mình, buộc mình phải tìm tòi, cố gắng.
- Phan Thị Luyện – Cán bộ ĐH Y Dược Cần Thơ hỏi tiếp: Anh công tác ở tập đoàn lớn với nhiều nhân tài, anh hãy chia sẻ việc tìm kiếm tuyển dụng nhân tài trong đơn vị của mình?
Ông Dương Viết Roãn: Theo tôi, khâu tuyển chọn ban đầu vẫn phải tuân theo cách thông thường: hồ sơ, kinh nghiệm làm việc... Nhưng quan trọng là khi họ làm việc, phải giao việc cao hơn năng lực để phát huy hết năng lực của mình để họ luôn phải phấn đấu.
Làm thế nào để người tài tỏa sáng?
Tiếp theo, các vị khách mời: Vũ Khoan – Nguyên Phó Thủ tướng, GS TS Võ Tòng Xuân – Nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang; ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT; bà Cao Thị Ngọc Dung – TGĐ Cty vàng bạc đá quý Phú Nhuận giao lưu cùng các bạn trẻ. Vấn đề được đặt ra là “Làm thế nào để người tài tỏa sáng?”
GS Võ Tòng Xuân: Muốn tỏa sáng, phát triển ý tưởng của mình, phải học hỏi để biết ý tưởng của mình áp dụng như thế nào. Phải có những người biết tiếp thu ý tưởng của mình. Biết chọn người gửi gắm tư tưởng của mình để phát huy...
GS Xuân cho rằng, ở nước ta, một số lãnh đạo thấy nhân viên giỏi hơn thì... kéo xuống, như thế không thể tạo điều kiện cho người trẻ phát huy tài năng được.
Ông Trương Gia Bình: Chúng ta phải tự mình lo cho tương lai của mình. Tài năng được thể hiện qua kết quả nhưng quan trọng hơn là kết quả đó có ý nghĩa như thế nào với người khác, với đất nước.
Đầu tiên, các bạn hãy nghĩ đến việc mình làm có giá trị để mọi người chấp nhận. Đó là chuyện của các bạn, nếu các bạn nghĩ mình là những người tài năng.
Bà Cao Thị Ngọc Dung: Người tài phục vụ cho tổ chức, đất nước phải thể hiện bằng kỹ năng, quyết tâm cống hiến của cá nhân. Nhiều người học giỏi nhưng không tỏa sáng và ngược lại.
Tất nhiên, người may mắn là người gặp được lãnh đạo không sợ nhân viên giỏi hơn mình nhưng bản thân mình phải khẳng định được mình, xây dựng cho mình một mục tiêu phấn đấu, phải làm được gì để đạt được mục tiêu đó.
- Bạn Phong, bác sĩ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thưa bác Xuân, qua hai câu chuyện bác kể, cháu hiểu trước thay đổi của đất nước bác đã phải tìm tòi ra các phương thức mới. Cháu cũng thế, nhiều khi chỉ huy điều cháu đi làm nhiệm vụ ở nơi này, nơi khác. Vậy cháu muốn hỏi, trong hoàn cảnh khó khăn bác nghĩ gì để tiếp tục học hỏi, tỏa sáng và cống hiến cho đất nước?
GS Võ Tòng Xuân: Cuộc đời của mình là cả một hành trình để học hỏi. Tôi nói thực, nhìn thấy người ta nhậu nhiều quá tôi thấy không thích, có lẽ họ không biết học cái gì nên mới nhậu, cho đỡ buồn.
Cuộc đời lúc nào cũng có cái để học, nhất là các bạn khi đang ở trong vị trí là một người dân của một nước chưa đánh đuổi được cái nghèo. Bạn có tâm sự rằng chỉ huy hay điều bạn đi nay đây, mai đó. Đi nhiều cũng là cơ hội để bạn học hỏi thêm nhiều điều, cái gì cũng có mặt thuận lợi và khó khăn. Bạn nên tận dụng những thuận lợi đó để khắc phục khó khăn.
Ví dụ chàng và nàng hẹn nhau 4h gặp nhưng đến 4h30 mà vẫn chưa thấy chàng đâu, vậy thì nàng đừng giận hờn làm gì mà hãy coi đó cũng là một cơ hội để…lấy bài ra học. Các bạn có thể học từ các bạn đồng nghiệp, thầy cô và nếu không còn ai để học nữa thì lên mạng. Internet là một trường học có hàng triệu ông thầy trên đó, dĩ nhiên không phải là lên đó để chơi game. Tôi cũng nhờ internet mà học thêm được nhiều điều.
Tiêu chí "10.000 giờ bay" cho một tài năng trẻ
- Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng đặt câu hỏi cho ông Trương Gia Bình: FPT cũng có một chương trình ươm tài năng trẻ có tên Vườn chim 2.0. Qua mấy năm hoạt động việc đầu tư cho các tài năng đó tự phát triển thì ông thấy thế nào?
Ông Trương Gia Bình dẫn một vài ví dụ về cái tài năng ở Mỹ. Đây là những người thuộc loại thần đồng từ khi còn rất nhỏ và khi lớn thì có thể trả lời mọi câu hỏi trong các lĩnh vực. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tất cả những người này đều là những người có kết quả học tập rất bình thường.
Ông cũng dẫn chứng việc phải rèn luyện để trở thành những người tài thông qua việc đưa ra kết luận về quy luật 10.000 giờ bay. Theo đó những nghiên cứu cho thấy trong lĩnh vực âm nhạc những người học ngành này nếu trải qua 6.000 giờ đánh đàn thì chỉ có thể trở thành những người dạy nhạc bình thường. Còn loại thứ hai là loại trải qua 8.000 giờ đánh đàn thì có thể biểu diễn ở các dàn nhạc quốc gia.
Riêng những người có tới 10.000 giờ để đánh đàn thì có thể độc diễn tại các sân khấu lớn trên thế giới. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỉ phú Bill Gate là người cũng có tới 10.000 giờ bay khi là người nổi tiếng. Ngay cả tỉ phú trẻ phát triển mạng xã hội facebook cũng là một thần đồng và quen với việc lập trình từ năm 10 tuổi. Với ông việc lập trình như bản năng.
“Để thành người tài theo tôi tiêu chuẩn 10.000 giờ bay là tiêu chí hoàn toàn chuẩn xác. Các cụ ta đã nói văn ôn võ luyện thì mới thành tài. Trở lại vấn đề Vườn chim cũng vậy, những người tập hợp tại đây là những người có khả năng. Mỗi ngày các bạn trẻ phải nghĩ ra một ý tưởng nào đó để vươn lên”- Ông Bình cho biết.
- MC tiếp tục đặt câu hỏi: Vậy ông có chia sẻ gì với các tài năng trẻ ở đây?
Ông Trương Gia Bình: Điều tôi muốn nói trước hết là dành cho các bậc cha mẹ. Muốn con cái các bạn thành thiên tài thì phải luyện tập đủ 10.000 giờ trước 20 tuổi.
Lời khuyên thứ hai là khi đã đạt được tài năng thì hãy nghĩ đến những sản phẩm, những giá trị đem lại cho đất nước, cho những người xung quanh. Còn những bạn có tài, có tật thì nên tìm những nhóm bạn bè để cùng tỏa sáng. Những bạn này cũng cần phải tìm đến những minh chủ vì minh chủ là người có lòng thương yêu và chấp nhận những cái tật của người tài.
... Quyết tâm tìm đường cứu nước vì thấy dân mình bị áp bức. Mới còn trẻ mà đã đi rất nhiều nơi trên thế giới. Không có tâm thì làm sao vì độc lập tự do của dân chúng. Khi sắp ra đi vẫn lo cơm ăn áo mặc cho dân.
Chúng ta đang học 40 năm di chúc của Bác nên phải hội tụ đủ Tâm- Tầm- Trí để đưa đất nước đi lên.
Nguyên Phó Thủ Tướng Vũ KHoan nói về Tâm - Tầm - Trí.
Cùng chia sẻ về việc luyện tập, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan dẫn bài học về việc rèn luyện của Bác Hồ trong việc học ngoại ngữ. Ông kể: Một lần Bác Hồ gọi tôi lên để dịch cho buổi làm việc với phóng viên người Nga. Khi đợi phóng viên đến, tôi thấy Bác Hồ lấy thuốc trong một chiếc hộp ra hút và cầm một tờ giấy nhỏ rồi đọc lẩm nhẩm.
Tò mò hỏi thì Bác cho biết, mỗi ngày bác hút khoảng 20 điếu thuốc. Mỗi lần lấy thuốc thì trong chiếc hộp có 20 từ mới bằng tiếng Nga. Như vậy với 20 lần phải mở hộp thuốc lá đó ra thì một ngày bác nhẩm 20 từ. Bác cho biết dù có rơi vãi thì cũng còn nhớ được 10 từ.
“Nhân tài như vậy mà ở độ tuổi như vậy còn phải học thì không biết anh em mình ra sao đây?”- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đặt câu hỏi.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tiếp tục giao lưu với các đại biểu. Ông là người được đặt nhiều câu hỏi nhất và cũng là người được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt liệt nhất trong mỗi câu trả lời của mình.
- Thưa ông, để đưa đến một kết luận muốn thành người tài thì cần những yếu tố nào?
Năm yếu tố nếu muốn trở thành người tài
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Yếu tố thứ nhất là người trẻ phải có khát vọng cống hiến, nếu sống mà không mong muốn làm được cái gì thì làm sao mà thành tài được.
Thứ hai: Có khát vọng nhưng phải khổ luyện, chúng ta cứ nói học tập và theo gương Bác Hồ vĩ đại nhưng thử hỏi có người nào học như Bác Hồ được chưa?
Thứ ba: khi được giao thì phải nhận bất cứ việc gì, không xét nét, nhận việc rồi thì làm hoàn thiện và làm tốt công việc đó.
Thứ tư, “buôn có bạn bán có phường”, cần có bạn bè để giúp đỡ và hỗ trợ nhau.
Và cuối cùng là tìm được “minh chủ” cho mình.
Theo tôi đây là 5 nhân tố nếu bạn muốn trở thành người tài.
Phần giao lưu của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã khép lại Diễn đàn kết nối tài năng Việt chiều nay, vào lúc 17h. Theo chương trình, tối nay, các đại biểu Tài năng trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia một cuộc giao lưu khác có tên "Tỏa sáng tài năng Việt", được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 và VTV4 Đài truyền hình Việt Nam.