Hành trình thoát khỏi ao làng: Lên núi, xuống phố rồi 'sang bển'

TP - Đó là hành trình suốt bao năm nay của “Ngôi Sao Miền Núi” - dự án nghệ thuật vì cộng đồng do Quách Ngạn Vỹ, nghiên cứu sinh người Đài Loan tại Việt Nam, khởi xướng và đi vào hoạt động từ năm 2014.
Hoạ sĩ Nguyễn Trường Linh đang giới thiệu cho khách tham quan trong triển lãm cá nhân tại Đài Loan.

Dấu ấn tranh Việt ở Đài Loan

Năm 2011, dự án nghệ thuật mang tên Black ra đời tại Hà Nội. Các họa sỹ tham gia dự án là những người trẻ sáng tác nghệ thuật với ngôn ngữ đương đại. Đều đặn hàng tháng, Fon Ya Gallery Đài Loan đã tài trợ cho buổi giới thiệu về một họa sỹ trong dự án. Hình thức giới thiệu thông qua buổi chiếu phim tài liệu về cuộc sống, quá trình làm việc và ý tưởng sáng tạo của họa sỹ.

“Black là dự án đầu tiên của tôi về mỹ thuật Việt Nam. Hồi đó, tôi đã tổ chức được 10 cuộc trình chiếu phim tài liệu về hoạ sĩ và nghệ thuật trình diễn, đồng thời có 1 triển lãm chung của nhóm họa sĩ. Năm 2013, tôi bắt đầu đưa tranh của nhóm Black sang Đài Loan. Đây cũng là triển lãm đầu tiên ở Đài Loan chuyên về hoạ sĩ Việt Nam. Một số tờ báo và kênh truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về triển lãm” - Giám tuyển nghệ thuật người Đài Loan, Quách Ngạn Vỹ cho biết.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống về sưu tập tranh gần 40 năm, sau khi tốt nghiệp đại học ở Anh quốc, Quách Ngạn Vỹ được gia đình định hướng sang Việt Nam tìm hiểu về mỹ thuật. “Qua quá trình học thạc sỹ ở đây, tôi nhận thấy mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã phát triển rất sớm ở khu vực và Đông Á với những đặc trưng riêng, có nhiều tiềm năng trong giá trị tác phẩm nghệ thuật và thị trường”- anh nói.

Sau dự án Black, năm 2014, Quách Ngạn Vỹ tiếp tục trở về Đài Loan, vận động các nguồn tài trợ để lập nên dự án thiện nguyện Ngôi Sao Miền Núi. Nhóm gồm các tình nguyện viên từ Nhật Bản, Đức, Trung Quốc đang sinh sống và học tập tại Việt Nam, kết hợp với các họa sĩ giảng viên thuộc trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nhóm Sơn Ta Việt Nam, nhóm họa sĩ Black và nhóm họa sĩ Beef Shank Studio.

Qua 4 mùa thực hiện, Ngôi Sao Miền Núi đã thu hút được hơn 100 nghệ sĩ tham gia và trên 20 tình nguyện viên. Có người đã sang tuổi 65, có người mới chỉ là sinh viên ra trường và rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trong làng mỹ thuật. Không ít người gắn bó kể từ ngày dự án ra đời đến nay.

Chủ trương của dự án là giảng dạy mỹ thuật tình nguyện cho trẻ em ở các vùng sâu xa, khó khăn của Việt Nam, kết hợp với các trải nghiệm sáng tác nhân đi thực tế của họa sĩ. Cuối mỗi mùa dự án là triển lãm chung tại Hà Nội và các triển lãm này sau đó đều được Quách Ngạn Vỹ mang sang thành phố Cao Hùng- Đài Loan trưng bày tiếp. Đó là triển lãm Ánh sao (2014), Sắc đá (2015), Dòng chảy (2016) và Sơn lục (2017).

“Năm đầu tiên, dự án ghi dấu ấn tốt với công chúng Đài Loan. Năm thứ 2 trở đi, dự án bắt đầu nhận được sự tài trợ từ Bộ Văn hóa Đài Loan để mời các họa sĩ Việt Nam sang giao lưu, tổ chức hội thảo. Mỗi lần triển lãm, lãnh đạo thành phố và cán bộ Sở Văn hóa Cao Hùng đều đến tham dự. Năm 2017, dự án bắt đầu giới thiệu tranh tại Hội chợ Nghệ thuật Cao Hùng, Hội chợ Nghệ thuật Đài Bắc. Tại đây, ban tổ chức đã dành hẳn khu trưng bày chính cho mỹ thuật Việt Nam” - giám tuyển nghệ thuật của Ngôi Sao Miền Núi hào hứng khoe.

Bên cạnh triển lãm chung, Quách Ngạn Vỹ cũng duy trì việc tổ chức triển lãm cá nhân tại Đài Loan cho một số hoạ sỹ Việt Nam như: Nguyễn Trường Linh, Trần Tuấn Long, Nguyễn Minh Tân… Đặc biệt, năm 2017, anh đã xuất bản tại Đài Loan cuốn sách “Mỹ thuật Việt Nam đương đại trong thời kỳ đổi mới”, được phát triển từ những nghiên cứu trong luận văn thạc sĩ của mình.

Cuốn sách ngay lập tức được Viện Khoa học nghiên cứu trung ương Đài Loan sưu tập và lưu giữ tại thư viện quốc gia, đồng thời được bày bán ở các khu triển lãm, phòng tranh trong nước. Với cộng đồng người Hoa, đây gần như là tài liệu đầu tiên nói về mỹ thuật Việt Nam, mang đến cho họ cái nhìn tổng quan về các giai đoạn phát triển của mỹ thuật Việt cũng như những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới.

Khách tham quan tại triển lãm của Ngôi Sao Miền Núi ở Đài Loan. Người đang giới thiệu là Quách Ngạn Vỹ.

“Tôi ngỡ mình như sao hạng A”

Hoạ sĩ sơn mài Trần Tuấn Long đã bật cười thốt lên như vậy khi kể lại kỷ niệm những lần mang tranh sang triển lãm ở Đài Loan. “Ở ta thì kiểu Bụt chùa nhà không thiêng, nên nhiều khi cũng tủi thân. Chứ bên đấy, họ thích tranh sơn mài của Việt Nam lắm. Họ cũng có sơn mài, nhưng là sơn mài mỹ nghệ chứ không làm được tranh như ta. Thế nên, có một số đại gia xứ Đài, mỗi năm lại chờ Ngôi Sao Miền Núi sang để mua tranh. Cảm giác được tôn trọng, săn đón khiến chúng tôi thấy mình như ngôi sao hạng A của làng giải trí”.

Năm 2016, có nhà sưu tập trẻ đã cùng gia đình mang tranh mua từ năm trước của Trần Tuấn Long đến triển lãm với mong muốn được chụp chung với tác giả một tấm ảnh. “Trước đây, hì hục vẽ xong, tôi lại mang về nhà ngắm, có bán cũng chỉ nhì nhằng, thì nay sang Đài Loan, tranh của tôi có bức bán được 5.000 đô. Mỗi năm mang hơn 10 tác phẩm sơn mài đi triển lãm thì chưa lần nào phải mang tranh về”- Hoạ sĩ Tuấn Long hào hứng chia sẻ.

Theo đuổi dòng tranh sơn ta truyền thống, những tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Trường Linh cũng được giới sưu tập tranh xứ Đài săn đón. Anh cũng là hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên có triển lãm cá nhân tại Đài Loan.

“Nếu để tự lực mang chuông đi đánh xứ người thì nghệ sĩ sẽ phải đối mặt với việc xin giấy phép, hải quan, vận chuyển… khá phức tạp. Nói chung, nghệ sĩ ta hay ngại mấy khoản đó, chưa kể chi phí cũng tốn kém, nên muốn mang tranh xuất ngoại, với nhiều người vẫn chỉ là mơ ước. Nhờ Ngôi Sao Miền Núi, chúng tôi chỉ việc ung dung đóng gói tranh và chuyển đi mà không phải lo lắng bất cứ điều gì”- Nguyễn Trường Linh chia sẻ.

Anh cũng là một trong những hoạ sĩ luôn “cháy hàng” ở các cuộc triển lãm tại Đài Loan. Năm 2016, bức sơn mài “Thạch sơn thần” của anh được một nhà sưu tập xứ Đài mua với giá 7.000 đô.

Với mỗi cuộc triển lãm ở Đài Loan, giám tuyển Quách Ngạn Vỹ đều phải có bản trình bày dự án, xin đăng ký triển lãm và thường mất 6 tháng để có câu trả lời phía bên kia. Sau đó, anh sẽ lựa chọn tác phẩm, định giá và gửi đi. Tổng chi phí tổ chức, anh cho biết hết khoảng 30-40 nghìn đô. Tuy nhiên, nhờ mối quan hệ của gia đình anh với các cá nhân và các trung tâm triển lãm nghệ thuật tại Đài Loan, nên chi phí này được giảm đi nhiều.

So sánh thị trường tranh Đài Loan và Việt Nam, anh phân tích: “Ở Đài Loan có một hệ thống đánh giá, định giá chuyên nghiệp về tác phẩm mỹ thuật. Bước đầu là đánh giá những tiêu chuẩn cơ sở như: tiểu sử, lý lịch và quá trình sáng tác của hoạ sỹ, các giải thưởng đã đạt được. Tác phẩm và tác giả đạt tiêu chuẩn này sẽ được đánh giá qua các công trình học thuật, nghiên cứu của những nhà phê bình Mỹ thuật, từ đó, tác phẩm bắt đầu đến với các phòng tranh, tại đây sẽ được định giá theo cơ chế thị trường và được giới thiệu tới công chúng, đây gọi là thị trường cấp 1.
Nếu tác phẩm và tác giả đến giai đoạn này vẫn tiếp tục nhận được phản hồi tích cực của giới học thuật và thị trường thì sẽ có cơ hội được đưa vào thị trường cấp 2 như hội chợ nghệ thuật và hội đấu giá danh tiếng. Cuối cùng, nếu dành được một vị trí trong lịch sử mỹ thuật thì sẽ có cơ chế đưa vào bảo tàng Mỹ thuật. Ở Việt Nam thì mới bắt đầu phát triển đến thị trường cấp 2, tuy nhiên vẫn chưa được chuyên nghiệp hoá hoàn chỉnh”.

Tháng 9 sắp tới, “đến hẹn lại lên”, Ngôi Sao Miền Núi sẽ tiếp tục mang tranh đi triển lãm tại thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó, là 2 triển lãm cá nhân của hoạ sĩ Trường Linh và Tuấn Long ở Đài Bắc. Tính đến nay, sau gần 8 năm nặng lòng với mỹ thuật Việt, số lượng tranh mà Quách Ngạn Vỹ  mang sang Đài Loan giới thiệu đã hơn 800 tác phẩm, trong đó hơn 400 tác phẩm đã ở lại các trung tâm triển lãm, phòng tranh và các bộ sưu tập của giới chơi tranh xứ Đài. Riêng năm 2017, dự án Ngôi Sao Miền Núi đã bán được hơn 100 bức tranh.