“Cô đào hát” tái xuất
Câu chuyện đời tư của Nguyễn Thị Minh Ngọc nổi tiếng trong giới: ngoài 50 tuổi bà mới được mặc áo cưới lần đầu tiên. “Chị hồn nhiên, rực rỡ trong chiếc áo cưới bồng bềnh như mây, cả gan ngồi trên chiếc lồng để rơi từ trần nhà đáp xuống sàn sân khấu trong tiếng vỗ tay vui mừng của bạn bè. Một nhà thơ nhìn chị ngậm ngùi: Ngọc nó cưới cái áo cưới” (theo lời kể của nhà văn Trầm Hương). Kết hôn, theo chồng sang Mỹ rồi từ đó cứ đi đi về về, duyên phận của bà với sân khấu, điện ảnh Việt chưa từng vì cách trở địa lý mà mất kết nối.
Lý do trở lại quê nhà lần này của Nguyễn Thị Minh Ngọc là để ra mắt cuốn sách “Cô đào hát” (tập hợp 6 kịch bản nổi tiếng từng làm nên tên tuổi của bà: Cô đào hát, Vầng trăng ai xẻ, Tía ơi má dìa, Giữa hai bờ sương khói, Hãy khóc đi em và Người đàn bà thất lạc).
Bà Phạm Thị Ngọc Anh (Giám đốc NXB Sân khấu), đơn vị ấn hành cuốn sách giải thích: “Không có nhiều tác giả có thể viết những kịch bản giàu tính văn học như Nguyễn Thị Minh Ngọc. Nghĩa là kịch bản này dùng để dàn dựng được (thực tế đã được từng được dựng diễn nhiều lần), để đọc cũng rất cuốn”.
Một ý nghĩa khác, bà Ngọc Anh bổ sung thêm là với sự quảng bá tập kịch bản này, những sinh viên ngành sân khấu, giới nghiên cứu có thêm nguồn tài liệu để tham khảo, còn các đoàn kịch địa phương lúc nào cũng thiếu kịch bản tốt thì có thêm chất liệu để khai thác, dàn dựng.
Cuốn sách 350 trang với Nguyễn Thị Minh Ngọc không phải một tác phẩm mới mẻ gì. Trước nó, bà từng xuất bản hơn 20 đầu sách các loại, trong đó có cả best seller 10 vạn bản “Tâm Thành và Lộc đời” (tự truyện Thành Lộc do Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút). Nhưng “Cô đào hát” là cuốn sách đầu tiên Minh Ngọc tổ chức ra mắt.
Khỏi phải nói, cộng đồng sân khấu phía Nam chào đón việc này như thế nào. Nhiều cây đa cây đề gạo cội của làng sân khấu như NSND Thúy Mùi, NSND Lệ Thủy, NSƯT Ca Lê Hồng, đạo diễn Xuân Phượng, NSND Kim Xuân, soạn giả Hoàng Song Việt... đều “dời núi” để ủng hộ đàn em.
Rất nhiều văn nghệ sĩ nói rằng, họ đến buổi ra mắt vì quý mến tài năng và những đóng góp của Nguyễn Thị Minh Ngọc cho sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nước nhà nói chung.
Theo đuổi cái thật và cái đẹp
Nguyễn Thị Minh Ngọc nói rằng, phương châm viết của bà là theo đuổi cái thật và cái đẹp. Bà dị ứng với cái “xạo”, tìm mọi cách để tránh nó, chống lại nó. “Chỉ cần một từ xạo là khiến cả câu thoại hỏng. Cảm giác không thật sẽ ngăn cách người ta mở lòng với một tác phẩm. Ngay từ khi vào nghề, chân lý soi đường cho công việc sáng tạo của tôi luôn là cái thật và cái đẹp. Không có cảm xúc thật và đẹp sẽ không có chính phẩm, mà chỉ là thứ phẩm thôi”.
Vào nghề muộn, do thi rớt các trường khác, khi ngồi bán hàng rong thì có người bạn chỉ trường sân khấu đang tuyển sinh, thế là nữ đạo diễn tương lai đăng ký thi và đậu. Sau khi tốt nghiệp, do các đoàn chưa tin tưởng các đạo diễn mới ra trường, thành ra Nguyễn Thị Minh Ngọc lại tiếp tục bán thuốc lá, thuốc tây ở vỉa hè để tự mưu sinh.
Cuộc sống lênh đênh ấy chỉ tạm ổn định khi cô giáo gọi Minh Ngọc đi học khóa sư phạm bởi nhà trường cần có đội ngũ dạy học thế thừa lứa các thầy cô học đạo diễn ở nước ngoài về như cô Ca Lê Hồng, cô Tường Trân, thầy Đoàn Bá, thầy Thành Trí, thầy Lê Văn Tĩnh… Từ đó bà theo nghề dạy học. Về sau, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, tác giả ca khúc “Tự nguyện”, giới thiệu bà về đoàn Bông Hồng làm đạo diễn.
“Đối với tôi, chọn nghề lương thiện nào kiếm sống cũng được, nhưng tôi luôn tâm niệm một khi đã theo nghề thì tận tâm hết lòng, rút hết xương máu để phụng sự tốt nhất cho nghề mà chẳng nề hà gian khổ, khó khăn”.
Những năm gần đây, Nguyễn Thị Minh Ngọc nhiều lần nói rằng: tâm nguyện hiện nay của bà là cố viết cho những người không nói được. Tôi hỏi bà, những đối tượng không nói được ở đây có thể là những ai? Bà trả lời: Thứ nhất, những người chưa nói được vì họ đã chết. Tôi đã đưa “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” vào vở “Tiên Nga”.
Thứ hai, những người chưa nói được vì họ đang trong cảnh tù tội, tôi đã có vở “Xuân Đông Thu Hận” nhận giải thưởng quốc gia.
Thứ ba, là những những người câm, những người không biết cách diễn đạt… tất cả những nhân vật này luôn bàng bạc trong các tác phẩm của tôi”.
Đường đến sân khấu off-off Broadway
Thánh đường của sân khấu nhạc kịch thế giới, Broadway là niềm mơ ước của bất cứ đạo diễn nào. Trong đó On Broadway, Off-Broadway và Off-Off-Broadway là từ dùng để gọi 3 loại nhà hát nhạc kịch chuyên nghiệp khác nhau tại thành phố New York.
Sự khác biệt giữa 3 loại nhà hát này nằm ở vị trí nhà hát, sức chứa khán giả và chi phí sản xuất cũng như khuynh hướng nghệ thuật của từng mô hình. Theo đó, off-off Broadway tuy nằm xa trung tâm nhất nhưng lại là nơi công diễn những vở nhạc kịch mới thử nghiệm, thu hút những biên kịch, đạo diễn và diễn viên mới vào nghề tìm đến.
Nguyễn Thị Minh Ngọc chính là người phụ nữ Việt đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam vào sân khấu off-off Broadway tại New York. Chuyện này có nguồn gốc sâu xa từ 20 năm trước.
Năm 2003, bà nhận được học bổng của Hội đồng Văn hóa châu Á sang New York 3 tháng. Tranh thủ cơ hội hiếm có này, bà đã đi xem khắp nơi và thấy các nước Trung Quốc, Hàn Quốc... đã đưa kịch sang New York diễn rất nhiều để quảng bá. Từ đó, bà nuôi quyết tâm đưa kịch Việt Nam qua để giới thiệu.
“Tôi dịch kịch bản sang tiếng Anh để gửi giới thiệu với các tổ chức, năm 2008, vở “Người đàn bà thất lạc” được nhà hát Liên-Á và thành phố New York bảo trợ biểu diễn song ngữ với dàn diễn viên Thành Lộc, Ngọc Đáng, Mỹ Hằng, Hải Phượng, Minh Ngọc, Minh Phượng… Khán giả cực kỳ thích thú. Sau đó, vở kịch “Người đàn bà thất lạc” được đánh giá là đã phá vỡ định kiến về góc nhìn của nước ngoài với Việt Nam, xác lập bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam ở nơi hội tụ văn hóa của tất cả các quốc gia trên thế giới”. Đạo diễn Minh Ngọc kể lại.
Cũng nhờ thành công ngoài dự kiến của “Người đàn bà thất lạc”, nhiều khán giả và những người hoạt động sân khấu tại New York bày tỏ rằng họ mong đợi vở diễn thứ hai của đoàn Việt Nam. Đó là nguyên cớ để một năm sau, Nguyễn Thị Minh Ngọc hoàn thành kịch bản “Chúng tôi là” và được Quỹ Bảo trợ Văn hóa của New York chấp thuận.
Để lên sân khấu off- off Broadway, đạo diễn Minh Ngọc và ê kíp đã dành nguyên hai năm để chuẩn bị. Rất nhiều trúc trắc, rất nhiều khó khăn tưởng chừng không vượt nổi, đến độ có lúc bà đã nghĩ đây là vở kịch cuối cùng do mình dàn dựng. Cuối cùng thì “Chúng tôi là” cũng được công diễn suốt 12 ngày ở New York, thành toàn cho giấc mơ đem sân khấu Việt giới thiệu ở Broadway của Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Một tay sân khấu, một tay điện ảnh
Bên cạnh các kịch bản sân khấu, Nguyễn Thị Minh Ngọc còn tạo được dấu ấn đậm đà của mình trong điện ảnh với những kịch bản phim được đánh giá cao như: Hải Nguyệt, Sống trong sợ hãi, Song Lang... Trong số hơn chục kịch bản điện ảnh này, “đứa con” khiến Minh Ngọc tiếc nuối nhất lại là “Ngọc Viễn Đông” (Pearls of the Far East). Phim gồm 7 tập phim ngắn đều bắt đầu với chữ cái T - Thơ, Tin nhắn, Trăng huyết, Thuyền, Thức, Tặng phẩm và Thời gian được quay ở nhiều địa điểm như Sapa, Mũi Né, Hội An, Đà Lạt, TPHCM và Canada. “Thời điểm bộ phim ra mắt năm 2012 còn quá sớm khi thị trường phim chiếu rạp ở Việt Nam mới chập chững hình thành, giá như vào khoảng năm 2016, khán giả sẽ đón nhận bộ phim tốt hơn”.
Nữ tác giả mát tay này cũng thừa nhận: Song Lang là bất ngờ lớn đối với bà và Leon Quang Lê khi phim gặt hái hơn 50 giải thưởng trên toàn thế giới như giải Bông sen vàng, giải Cánh diều bạc, Giải Forward Future cho đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh, giải Kịch bản xuất sắc nhất tại liên hoan phim quốc tế ASEAN, …
Sự thành công của Song Lang giúp bà và cộng sự tìm được nhà tài trợ cho dự án phim mới đang chuẩn bị bấm máy.