Hàng tỷ đồng thiết bị đã bị ném qua cửa sổ!

TP - Vấn đề thiết bị thực nghiệm và nghiên cứu khoa học, chúng ta lãng phí rất khủng khiếp trong khi đó lại thiếu một cách trầm trọng.

Cũng vì việc bảo thủ và thiếu những người vì sự nghiệp chung nên ở rất nhiều trường chúng ta chỉ có những phòng thí nghiệm bất hợp tác của mỗi bộ môn.

Tôi thấy rất ít các cơ sở lại có phòng thí nghiệm chung, lớn và cho phép các cán bộ trong cùng đơn vị có thể sử dụng được.

Trong khi đó, thiết bị, dụng cụ cho sinh viên thực nghiệm thì quá cũ nát, nó đơn giản và tồi tệ như tất cả những gì chúng ta thấy.

Ở nhiều trường Sư phạm hàng đầu trong cả nước mà có những câu chuyện tôi kể ra chắc chắn sẽ làm đau lòng các cán bộ giảng dạy có lương tri.

Một cơ sở nọ được cấp một lượng thiết bị nghiên cứu trị giá 300 triệu đồng. Sau 5 năm nó vẫn còn mới nguyên, chưa ai sử dụng nó lấy một lần, trong khi đó sinh viên cũng của cơ sở đó, trong 5 năm không được làm việc với một dụng cụ chuẩn dù chỉ là cái ống nghiệm.

Cái tội này theo tôi có lẽ không thua gì tội tham nhũng. Trách nhiệm thuộc về ai? Tôi khẳng định có nguyên nhân sâu xa từ phía Bộ.

Cơ chế của chúng ta, cán bộ sử dụng không được tham gia chấm thầu, họ chỉ được đề đạt (sau hàng chục năm đề đạt, được các trường dúi về cho cái gì thì nhận cái đó) như vậy, nếu cán bộ đề nghị mua một chục thiết bị thì khi được mua chỉ mỗi một cái.

Và điều trớ trêu cái đó lại không sử dụng được khi thiếu các thiết bị khác.

Một điều nữa, cán bộ trẻ mới là những người sử dụng thiết bị để làm việc nhiều. Nhưng chúng ta không chú ý đến những người sử dụng này, và vì thế hàng tỷ đồng thiết bị đã bị ném qua cửa sổ một cách vô ích.

Tôi đã từng chứng kiến những máy móc mới tinh của một vị Giáo sư, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới sau một vài năm nhận về trị giá hàng mấy chục tỷ đồng, nằm trong một góc sạch sẽ, đẹp đẽ và cũng rất lặng lẽ.

Nguyễn Tiến Dũng tốt nghiệp khoa Hóa, trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1995 và trở thành giảng viên của trường năm 1997. Trên diễn đàn edu.net, Nguyễn Tiến Dũng là một trong những thành viên tham gia tích cực nhất với nhiều nick name khác nhau.

Không chỉ chống tiêu cực trên diễn đàn, Nguyễn Tiến Dũng còn tích cực tham gia chống tiêu cực trong GD&ĐT ngoài đời.

Nguyễn Tiến Dũng đã từng cùng phóng viên Tiền phong đội mưa gió đi điều tra một vụ việc liên quan tới quyền lợi người giáo viên ở quê hương của anh (Hà Tây).

Nguyễn Tiến Dũng nói: “Cho dù tôi có thể phải chịu nhiều hệ luỵ từ đấu tranh chống tiêu cực, nhưng nếu không nói ra những điều mắt thấy tai nghe thì tôi thấy rằng mình thật có lỗi...”.