Hàng trăm công trình không phép: Bức tử kênh Bắc Hưng Hải

TP - Mỗi ngày, kênh thủy lợi lớn nhất miền Bắc – Bắc Hưng Hải phải gánh thêm những công trình vi phạm mới. Trong khi đó, chính quyền địa phương “vin” vào lý do lịch sử, để mặc cho các công trình vi phạm tồn tại.

Thời gian gần đây, hàng loạt công trình xây dựng trái phép được thi công vi phạm hành lang bảo vệ kênh Bắc Hưng Hải, đe dọa đến an toàn của toàn hệ thống. Dòng chảy bị ách tắc, khó khăn cho việc tưới, tiêu nước, nguy cơ úng, lụt cao khi có mưa, lũ. Năng lực hoạt động của công trình thủy lợi  bị hạn chế, công trình mất an toàn trước những diễn biến bất lợi của thời tiết. Các “điểm nóng” vi phạm có thể kể đến đoạn qua các huyện Văn Giang (Hưng Yên), huyện Bình Giang (Hải Dương), huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Như đoạn đi qua xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, đoạn kênh chỉ vài km nhưng có đến hơn chục công trình xây dựng trái phép, đóng cọc, kè vượt ra lòng kênh. Tương tự, tại xã Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang) nhiều công trình tự ý xây dựng mới khiến người dân bức xúc.

Việc lấn chiếm hành lang kênh, lòng kênh không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông đường thủy và dòng chảy mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Bởi có hộ xây làm chuồng trại nuôi lợn, hay nước sinh hoạt gia đình đều chảy thẳng xuống dòng kênh làm đoạn kênh ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Một số công trình vi phạm trên kênh Bắc Hưng Hải mà PV ghi lại

Người dân cũng dẫn PV ghi nhận hàng loạt công trình đang xây dựng và cả những công trình mới hoàn thiện. Như nhà ông Đỗ Văn Thao tự ý đổ móng lấn chiếm lòng sông nay đã xây hoàn thiện căn nhà cấp 4; Nhà bà Nhung đóng cọc xuống lòng sông, đã xây xong tầng 1, hiện tại quây tôn toàn bộ công trình nhưng bên trong vẫn đang có công nhân thi công… Điều khiến người dân bức xúc hơn cả là tất cả những công trình này đều cách UBND xã Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang) vài chục mét.

Nơi kiến nghị, nơi ngó lơ

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, tổng số vụ vi phạm trên hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải từ 2012 đến nay là 885 vụ. Trong đó xử lý giải tỏa được 243 vụ. Đại diện Cty cho rằng các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm về xử lý các vi phạm công trình thủy lợi. Đặc biệt là UBND các xã địa bàn có cá nhân, doanh nghiệp trực tiếp vi phạm nhưng không tổ chức biện pháp ngăn chặn vi phạm từ đầu. Đối với việc xử lý cũng chưa có sự phối hợp, còn tình trạng né tránh, nể nang trong xử lý vi phạm. Đối với riêng huyện Văn Giang (Hưng Yên), trong tháng 3/2019 đã phát hiện, lập biên bản với 6 trường hợp. “Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể lập biên bản đến lần thứ 3, nếu chính quyền địa phương không xử lý thì chuyển hồ sơ về Tổng cục Thủy lợi”, đại diện Cty cho hay.

Ông Khương Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang lấy lý do đặc thù kênh Bắc Hưng Hải là “dân có trước kênh”. Khi còn tỉnh Hải Hưng, nhiều xã có chủ trương “khoán thầu dài hạn” - thực chất là bán đất để có tiền đầu tư đường sá, trường học… Qua rà soát, có 314 trường hợp mua bán tại lưu vực sông Bắc Hưng Hải đoạn qua xã, trong đó đã xây dựng 248 trường hợp, còn lại 66 chưa xây dựng. Ông Sinh cũng thông tin, không cấp phép xây dựng cho bất cứ hộ dân nào tại hành lang bảo vệ kênh Bắc Hưng Hải. Đối với các trường hợp PV nêu, ông Sinh cho rằng đều là sửa chữa cải tạo. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp cố tình làm sai, lãnh đạo xã Vĩnh Khúc nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm mặc dù đã xử lý quyết liệt nhưng người ta vẫn lén lút xây dựng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Cương - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Văn Giang cho biết thêm, huyện đã ban hành nhiều văn bản tới 10 xã, 1 thị trấn thực hiện cơ bản việc rà soát, phân loại các trường hợp xây dựng ven sông. Xã bán đất là sai nhưng do lịch sử để lại, thời điểm công tác quản lý nhà nước chưa được chặt chẽ. Các xã Vĩnh Khúc, Nghĩa Trụ (2 xã có sông chảy qua) đã rà soát, thống kê vi phạm, để báo cáo lên tỉnh. “Các công trình cũ thì là đất xen kẹt rất khó xử lý, nhưng những công trình mới thì chúng tôi kiên quyết xử lý”, ông Cương nói.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có trên 230km kênh trục chính, 490km bờ kênh, phục vụ tưới tiêu cho gần 147 nghìn ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, việc xử lý chưa nghiêm các vi phạm và sự buông lỏng quản lý ở các cấp đã khiến tình trạng vi phạm trên Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ngày càng gia tăng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.