Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Theo đó, năm nay nguồn cung hàng hoá dồi dào nhưng sức mua của người dân giảm hơn so với những năm trước. Giá cả thị trường Tết tại các địa phương tăng giảm đan xen, nhưng không có đột biến, không sốt giá. Ngày mùng 1, mùng 2 Tết, giá cả cơ bản ổn định so với trước Tết.
Theo báo cáo, tại TPHCM, lượng hàng nhập về chợ đầu mối chủ yếu rau củ, trái cây. Ngày mùng 1, mùng 2 Tết, mỗi ngày có 85 tấn rau, củ và 15 tấn trái cây nhập chợ đầu mối Hóc Môn. Có hơn 160 sạp hàng hoá khai trương lấy ngày. Giá hàng hoá tương đương ngày thường.
Tương tự, có khoảng 790 tấn rau, trái cây về nhập chợ đầu mối Thủ Đức. Giá bán buôn mặt hàng rau củ quả như cà chua, dưa chuột sức mua giảm, giá giảm 5.000 đồng/kg. Giá cải ngọt, cải xanh, hành lá, xà lách búp tăng 5.000 -13.000 đồng/kg. Sức mua giảm kéo giá các mặt hàng trái cây như dưa hấu dài, dưa hấu sọc, đu đủ, thanh long, bưởi da xanh giảm 2.000 -3.000 đồng/kg. Quýt đường, xoài cát Hòa Lộc sức mua tương tự, giá giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Các chợ lẻ ở TPHCM có khoảng 10-20% tiểu thương mở hàng trở lại. Chủ yếu gian hàng rau củ, quả, trái cây và đồ cúng. Tiểu thương bán lấy ngày khai trương và giao mối cho nhà hàng, quán ăn hoạt động trong những ngày Tết.
Ở Cần Thơ, giá cả hàng hoá tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung. Chợ truyền thống, nhiều sạp hàng thịt cá, rau củ bán trở lại. Tương tự ở Đà Nẵng, mùng 2 Tết chợ đóng cửa, chỉ còn một số người bán lẻ rau xanh, củ quả.
Nhằm kịp thời cập nhật diễn biến thị trường, trong những ngày nghỉ Tết, Bộ Tài chính cho biết, đã lập kênh thông tin hàng ngày kết nối với sở tài chính địa phương. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động quản lý, điều hành và thực hiện bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại.