Trong một cuộc họp báo tại Seoul ngày 4/4, Chủ tịch KOFIC Oh Seok-geun đã cúi đầu xin lỗi và nói: “Dưới thời hai tổng thống trước đây, KOFIC đã mắc sai lầm lớn khi tạo ra một danh sách các nghệ sỹ theo sự chỉ đạo của nhà cầm quyền và thực hiện các biện pháp phân biệt đối xử và loại trừ họ. Chúng tôi đã nghiêm khắc kiểm điểm và sẽ tự đổi mới mình”.
Kể từ hồi tháng 1 năm nay, nhà sản xuất phim Oh Seok-geun đã lên nắm quyền điều hành KOFIC. Ông đã thực hiện một cuộc điều tra nội bộ trước những cáo buộc cho rằng, bộ phận quảng bá điện ảnh, đơn vị chủ chốt của cơ quan này, đã tạo ra một “danh sách đen” các nghệ sỹ dưới thời các cựu tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye để loại các nghệ sỹ có tư tưởng chống đối chính phủ và không cho họ được nhận những khoản trợ cấp từ chính phủ.
Theo ông Oh, kể từ năm 2009 đến 2016, KOFIC đã loại các nghệ sỹ ra khỏi các chương trình sản xuất phim có sự hỗ trợ kinh phí nhà nước. Những nghệ sỹ này là những người đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại một số chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Lee Myung-bak cũng như chỉ trích việc chính phủ của bà Park Geun-hye đã vô cảm trước vụ chìm phà Sewol cướp đi hơn 300 sinh mạng, trong đó đa phần là học sinh.
Đạo diễn Park Chan-gyeong cũng bị loại ra khỏi các chương trình hỗ trợ của chính phủ chỉ đơn giản vì ông là em trai của nhà sản xuất phim Park Chan-wook, người mà KOFIC bị Nhà Xanh chỉ đạo không được hỗ trợ do có tư tưởng chính trị tự do.
Theo hội đồng này, các bộ phim có những từ khóa như “các cư dân thiểu số Hàn Quốc tại Nhật”, “căn cứ hải quân Jeju” “thiểu số giới tính”… đều bị dán nhãn là “phim có vấn đề” và đều bị từ chối nhận được tiền hỗ trợ.
Ông Oh cho hay, có tới 56 bộ phim, xưởng phim và nhà sản xuất phim bị loại ra khỏi danh sách hỗ trợ. Ông cam kết sẽ thực hiện những cuộc điều tra hơn nữa về vụ việc này và tìm ra những biện pháp để sửa chữa sai lầm đã gây ra cho các nạn nhân và ngăn chặn các hành động tái diễn.