Hàn Quốc – Bí mật tạo nên “kỳ tích sông Hàn” – Kỳ I

Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, Hàn Quốc ngày nay đã tạo nên "Làn sóng Hàn Quốc" ảnh hưởng đến châu Á và thế giới, đi cùng là những thương hiệu toàn cầu như Samsung, Hyundai, LG Electronics hay GM Daewoo…
 
 

Hàn Quốc chỉ là một quốc gia nghèo sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng nhờ vào khát vọng lớn cùng với lòng tự tôn dân tộc và tinh thần kỷ luật, dám thách thức thất bại đã vươn lên trở thành một cường quốc hàng đầu của thế giới, tạo nên một "Làn sóng Hàn Quốc" ảnh hưởng đến châu Á và thế giới, đi cùng là những thương hiệu toàn cầu như Samsung, Hyundai, LG Electronics hay GM Daewoo…

Từ xa xưa ở Hàn Quốc, nền giáo dục Nho giáo được coi trọng, các học giả có vai trò quan trọng trong xã hội, những người có học thức đều được nể trọng. Đặc biệt những người vượt qua kỳ thi công chức sẽ được hưởng đặc quyền của tầng lớp cao nhất trong xã hội. Từ năm 1910 - 1945, khi bị Nhật Bản đô hộ chính phủ Hàn Quốc càng nhận thức được tầm quan trọng của thực lực kinh tế, mà muốn phát triển kinh tế thì cần phải tập trung cho phát triển giáo dục: "Biết nhiều là sức mạnh. Phải học thì mới sống được."

Sau khi giải phóng và tuyên bố độc lập vào năm 1945, Hàn Quốc đã có nhiều thay đổi mới, trở thành "quốc gia học tập", "tổ chức học tập". Cùng với lòng tự tôn dân tộc, Hàn Quốc đã nỗ lực nhanh chóng khôi phục lại các giá trị văn hóa bằng việc xóa nạn mù chữ, khôi phục ngôn ngữ truyền thống và ngành Hàn Quốc học, giáo dục người dân Hàn Quốc trân trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống - "linh hồn" của dân tộc.

Năm 1968, chính phủ Hàn Quốc đã có quyết định táo bạo khi thay đổi toàn bộ giáo trình giáo dục quốc gia bằng việc dịch toàn bộ sách giáo khoa của người Nhật sang tiếng Hàn và đưa vào giảng dạy. Không phải vì không tự soạn được một bộ sách giáo khoa cho riêng quốc gia của mình, mà người Hàn quyết định chọn cách rút ngắn thời gian bằng việc học hỏi từ sách vở của người Nhật khi họ đã mất hàng trăm năm cải biên từ phương pháp giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, từ đó tiết kiệm thời gian và công sức để tập trung xây dựng phát triển kinh tế.

Cùng với việc xây dựng chất lượng giáo dục từ việc học hỏi giáo trình của Nhật Bản, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách giáo dục miễn phí cho tất cả học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở và nỗ lực xây dựng rất nhiều trường Đại học.

Môi trường giáo dục của Hàn Quốc nổi tiếng nghiêm khắc, tạo áp lực cho học sinh từ sớm nhằm rèn luyện tinh thần tự giác, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh. Mang quyết tâm "phải học hành chăm chỉ, nghiên cứu sáng tạo mới thành công", những đứa trẻ Hàn Quốc từ nhỏ vượt qua nhiều cây số đi bộ để đến trường, chăm chỉ đọc sách vở mỗi ngày, không ngừng quan sát tìm kiếm ý tưởng mới và xem đó là lợi thế cạnh tranh tự thân của mỗi người.

Chương trình giáo dục, giảng dạy ở Hàn Quốc luôn chú trọng vào tính sáng tạo, cá nhân cũng như kiến thức về văn hóa Hàn Quốc cũng như các nền văn hóa khác. Bởi giáo dục quyết định tính sản xuất, năng lực cạnh tranh, luân lý và chất lượng cuộc sống.

Hàn Quốc chính là quốc gia điển hình chứng minh số phận thay đổi thông qua giáo dục như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lần nhận định: "Một đất nước từng nghèo hơn cả Kenya – quê hương của ông tôi là Hàn Quốc thời nay đang gia nhập các nước phát triển. Lý do chính là nhờ nhiệt huyết giáo dục cháy bỏng của Hàn Quốc."

Chính nhờ tinh thần miệt mài học hỏi và sáng tạo, không chấp nhận thua cuộc đã giúp Hàn Quốc sở hữu một lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao nhất thế giới. Với những cải cách giáo dục đúng đắn, toàn diện đã tạo nên nền tảng tri thức vững chắc cho sự phát triển và năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu nhất khu vực Đông Bắc Á trong những năm 60 của thế kỷ XX, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn Hàn Quốc đã trở thành "hình mẫu" phát triển kinh tế năng động bậc nhất khu vực mà còn là một trong mười quốc gia "xuất khẩu" văn hóa hàng đầu thế giới.

Hàn Quốc ngay từ rất sớm đã nhận thức và đánh giá đúng về vai trò của "quyền lực mềm" đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đồng thời, xây dựng sức mạnh của "quyền lực mềm" với tầm nhìn dài hạn bên cạnh "quyền lực cứng" dựa trên ba nguồn lực chính đó là: văn hóa, tiềm lực kinh tế và chính sách đối ngoại.

Cùng với lòng tự tôn dân tộc được nung nấu qua nhiều thế hệ và một ý chí kiên cường trong quá trình tái thiết đất nước, Hàn Quốc vẫn kiên định với mục tiêu chung "xuất khẩu" văn hóa ra các thị trường quốc tế, đưa Hàn Quốc trở thành "cường quốc" về công nghiệp giải trí.

Hàn Quốc đã thực sự biến văn hóa thành thứ "quyền lực mềm" chinh phục thế giới. Đặc biệt, Hàn Quốc đã đưa văn hóa trở thành vấn đề trọng đại trong chiến lược phát triển quốc gia bằng các chiến lược đúng đắn như: "Kế hoạch mới về phát triển văn hóa", "Kế hoạch 10 năm phát triển văn hóa", "Tầm nhìn văn hóa năm 2000", "Chiến lược Cool Korea"… Chiến lược "xuất khẩu" văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa là một chính sách ngoại giao ảnh hưởng khôn ngoan, mang đặc trưng Hàn Quốc không chỉ tạo ra giá trị về kinh tế mà còn quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Hàn Quốc ra toàn cầu.

Các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc như phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, nghệ thuật... đã thâm nhập sâu rộng vào nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, "Làn sóng Hallyu" thông qua âm nhạc đại chúng (K-pop) và các bộ phim truyền hình có sức lan tỏa mạnh mẽ dần trở thành trào lưu nổi tiếng khắp châu Á.

Văn hóa Hàn Quốc đang trở thành "hiện tượng" của văn hóa khu vực và thế giới. Đặc biệt, từ một quốc gia có nền điện ảnh ì ạch, phụ thuộc phim Hollywood, điện ảnh Hàn trỗi dậy mạnh mẽ, không chỉ mang về hàng tỷ USD mà còn khiến cả thế giới kinh ngạc khi "Ký sinh trùng" (Parasite) - bộ phim không sử dụng tiếng nước ngoài đầu tiên, đoạt giải thưởng "phim truyện xuất sắc nhất" trong lịch sử điện ảnh Hollywood. Đây không chỉ là thắng lợi lớn của nền điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và đất nước Hàn Quốc nói chung, mà còn là bước ngoặt lớn sau hai thập niên Hàn Quốc xây dựng và triển khai sức mạnh "quyền lực mềm" trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, hiệu quả mọi nguồn lực.

Cùng với đó, làn sóng âm nhạc Hàn Quốc đang lan tỏa mạnh mẽ và gây hiệu ứng rộng rãi đặc biệt với giới trẻ trên thế giới. Ngoài ra, ẩm thực là một nét đẹp không thể không nhắc đến của Hàn Quốc với các món ăn nổi tiếng như kimchi, kimbab, tteokbokki,… được nhiều người dân trên toàn thế giới yêu thích.

Kỳ tích của Hàn Quốc được bảo đảm bằng một Nhà Nước hiệu quả và có tầm nhìn, sách lược, chiến lược rõ ràng. Năm 1963, ngay sau khi đắc cử, với quyết tâm đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia thịnh vượng, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee đã đưa ra Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, tập trung đẩy mạnh triển khai Chiến lược tăng trưởng kinh tế theo hướng xuất khẩu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn (chaebol). Sau nhiều năm triển khai, sự đồng lòng cùng tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên mạnh mẽ đã giúp Hàn Quốc làm nên "kỳ tích sông Hàn" với sự ra đời của hàng loạt chaebol như Samsung, Daewoo, Hyundai hay LG,... đã đưa quốc gia này trở thành một trong bốn "con rồng" kinh tế châu Á vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đóng góp lớn vào cú lột xác ngoạn mục tạo nên "Kỳ tích sông Hàn".

Tại hai kỳ Olympic năm 1986 và 1988, Seoul - biểu tượng cho "Kỳ tích sông Hàn" đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh ra thế giới. Từng là nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng Seoul đã trỗi dậy mạnh mẽ trở thành trung tâm sản xuất của Hàn Quốc và đứng thứ bảy trong nhóm các thành phố bền vững nhất thế giới và đang được hướng đến trở thành thành phố toàn cầu, là trung tâm tài chính và thương mại của khu vực Đông Bắc Á.

Nhờ chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn đã giúp Hàn Quốc rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Hàn Quốc tích cực đưa các sản phẩm "được sản xuất tại Hàn Quốc" ("Made in Korea") trở thành thương hiệu mang tầm quốc tế, nhằm nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường quốc tế.

Là một trong những Chaebol lớn của Hàn Quốc, hành trình xây dựng nên sự vững mạnh Hyundai bằng triết lý kinh doanh vị quốc, niềm khát khao sáng tạo thương hiệu danh tiếng của Hàn Quốc đã được chắt lọc và đúc kết trong cuốn tự truyện "Không bao giờ là thất bại, Tất cả là thử thách" của Nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai - Chung Ju Yung. Cuốn sách chứa đựng không chỉ là hành trình và kinh nghiệm của người sáng lập nên một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, từ đó giúp Hàn Quốc trở thành một trong những cường quốc ô tô lớn trên thế giới. Đồng thời, phản chiếu về một Hàn Quốc thu nhỏ với nỗ lực từ các cá nhân có khát vọng lớn như Chung Ju Yung đã góp phần kiến tạo nên kỳ tích.

Đây cũng là 1 trong những đầu sách quý trong "Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời" do Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn trao tặng cho thế hệ thanh niên Việt Nam trong "Hành trình từ Trái Tim" suốt nhiều năm qua. Tủ sách gồm hơn 100 đầu sách quý thuộc 12 lĩnh vực căn cốt nhất của nhân loại nhằm xây dựng trí huệ và minh triết toàn diện, góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt tinh thần toàn diện cho quốc gia và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.

(Đón đọc nội dung tiếp theo: Hàn Quốc – Bí mật tạo nên “kỳ tích sông Hàn” – Kỳ II.)