Tướng về hưu Shin Won-shik nói về chỉ thị: “Việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt chỉ chống lại Nhật Bản là không phù hợp”. Các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với ông Shin rằng, họ đang xem xét bãi bỏ các hướng dẫn nói trên.
Theo hướng dẫn được ban hành tháng 2/2019, bất kỳ máy bay SDF nào tiếp cận tàu Hàn Quốc sẽ phải nhận được hai cảnh báo qua radio. Nếu máy bay phớt lờ cảnh báo và tiếp tục bay quá gần, sĩ quan Hải quân Hàn Quốc được yêu cầu khóa radar điều khiển hỏa lực của họ đối với máy bay của SDF.
Chỉ thị chỉ nhằm vào máy bay của SDF, nhưng các quyết định thực tế về việc có sử dụng radar điều khiển hỏa lực hay không là do các chỉ huy tại chỗ quyết định.
Ông Shin Won-shik từng giữ chức vụ cao trong Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc và hiện là một đại biểu Quốc hội của đảng cầm quyền.
Ảnh hưởng hợp tác quốc phòng song phương
Cuối năm 2018, Tokyo tuyên bố, một tàu khu trục của Hàn Quốc đã khóa radar điều khiển hỏa lực đối với một máy bay tuần tra của SDF trên biển. Seoul phủ nhận điều đó và cáo buộc phi công SDF bay ở độ thấp nguy hiểm gần tàu khu trục.
Vụ việc hồi cuối năm 2018 khiến hai bên cáo buộc lẫn nhau là liều lĩnh và làm tổn hại đến quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc thời điểm đó là ông Moon Jae-in đã phải chứng kiến quan hệ song phương xấu đi vì một số lý do, bao gồm các vụ kiện đòi bồi thường từ các công ty Nhật Bản vì hành vi cưỡng bức lao động Hàn Quốc trong thời chiến.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn không hài lòng về sự cố năm 2018. Một nguồn tin nói: “Sẽ rất khó để có sự hợp tác giữa các đơn vị quốc phòng của hai quốc gia nếu không có biện pháp ngăn chặn sự việc tái diễn”.
Với chính quyền mới của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, “quyết định bãi bỏ các hướng dẫn (về khóa radar) có thể là một nỗ lực cho thấy Nhật Bản khác với chính quyền trước đây”, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói.