Hai người ngộ độc, nguy kịch vì ăn nhầm so biển tại quán ốc

TPO - Hai người dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu đi ăn tối tại quán ốc đã nhầm con sam biển thành so biển nên phải nhập viện cấp cứu. Trong đó, một bệnh nhân lên cơn co giật mạnh, phải nhập Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc.

Ngày 12/12, Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, vừa cấp cứu 2 bệnh nhân ăn so biển nướng, dẫn tới ngộ độc.

Cụ thể, tối 9/12, ông N.Q.L. và ông D.N.C. (cùng 46 tuổi, trú xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ăn tối tại quán ốc Kiều (TP Bà Rịa). Bữa ăn gồm các món sò dương, sò huyết, bào ngư, sam nướng, bò cuộn kim châm, tôm sốt thái.

Con sam biển và so biển có ngoại hình tương đối giống nhau.

Đến 23 giờ cùng ngày, sau khi về nhà, ông L. có các triệu chứng như tê buốt răng miệng, xây xẩm mặt mày và được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.

Khi vào bệnh viện, ông L. lên cơn co giật mạnh, phải nhập Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Đến nay, ông L. đã qua cơn nguy kịch, đang truyền than hoạt tính. Còn ông C. chỉ bị đau bụng, nôn ói. Cả hai trường hợp trên đều được chẩn đoán ngộ độc do ăn nhầm con so biển.

Trước thông tin về 2 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại quán ốc Kiều, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bà Rịa tiếp tục tích cực điều trị, hỗ trợ cho các bệnh nhân để sớm ổn định sức khỏe.

Đồng thời, ngành y tế chủ trì, phối hợp với UBND TP Bà Rịa và các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại quán ốc trên, xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) sam biển, so biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Trên thế giới, họ Sam (Xiphosuridae) có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda).

Tachypleus tridentatus, dân gian gọi là sam biển (sam lớn). Khu vực phân bố là các vùng ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Mỗi cặp sam làm tổ đều sinh sống kiểu một vợ một chồng và sống cùng nhau cho đến hết đời.

Còn Carcinoscorpius rotundicauda, dân gian gọi là so biển (sam nhỏ). Khu vực phân bố cũng là ven biển, môi trường sinh sống thiết yếu là các lạch nước ngọt. So biển có hình hài rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp.

Chiều dài thân của so biển thường khoảng 20 - 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Trong so biển có độc tố tetrodotoxin (như độc tố ở cá nóc), có tính chất tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại). Tetrodotoxin có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp.