Hải mã - Vị thuốc giúp chàng sung mãn

Được mệnh danh là “đệ nhất chốn phòng the”, từ lâu hải mã (còn gọi là cá ngựa) trở thành món được nhiều quý ông ưa dùng. 

Người ta tìm mua cá ngựa để ngâm rượu đãi khách, để bồi bổ cơ thể, làm quà biếu. Và những câu chuyện xoay quanh loại “ngựa biển” cũng đầy thú vị…

“Công lực” dồi dào

Cuối năm, anh bạn đồng nghiệp từ Gia Lai gọi điện xuống nhờ kiếm cho mấy cặp cá ngựa đỏ để làm quà biếu Tết. Lấy làm lạ bởi từ xưa đến nay, người ta thường quan niệm cá ngựa trắng mới là loại tốt nhất, song bạn cứ nằng nặc phải mua cá ngựa đỏ thì công năng bổ thận tráng dương mới cao nên tôi đành chiều theo.

Qua sự giới thiệu của một vài ngư phủ quen biết, tôi tìm về xóm Chụt (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang), nơi có những thợ săn lão luyện đã nhiều năm đánh bắt và tường tận về loại cá này. Thú thật, trước khi được nhờ mua, tôi chẳng có nhiều kiến thức về cá ngựa và cũng chưa từng một lần thưởng thức loại “tráng dương đệ nhất tửu” ông uống bà khen này.

Người đầu tiên mà tôi gặp là ông Ba Huỳnh. Trong bóng chiều chạng vạng, bên căn nhà chồ sát mép sóng, ông Ba Huỳnh ngồi nhâm nhi mấy xị đế với vài miếng khô cá đuối. Thấy khách lạ, ông vồn vã lấy thêm ly, thêm chén mời rượu.

Khi được hỏi về loại cá ngựa đỏ, ông cười: “Trời ơi, đỏ với đen gì, loại nào mà chẳng giống nhau. Mấy ông nghe ai mà bảo cá ngựa đỏ giúp tăng bản lĩnh đàn ông cao hơn các loại cá ngựa khác? Loại này thường xuyên chuyển màu tùy vào từng vùng nó sống. Lúc nó màu đỏ, lúc màu vàng, nhiều khi lại chuyển sang màu nâu hung… Bất kể là màu gì, nhưng đã là cá ngựa thì chắc chắn sẽ rất tốt cho cánh đàn ông”.

Qua câu chuyện của ông Ba Huỳnh, tôi được nghe khá nhiều về tác dụng “bổ thận, tráng dương” mà cá ngựa đem lại. Trong số hàng trăm khách hàng đã từng mua cá ngựa của ông, nhiều người từng hiếm muộn nhưng khi dùng rượu ngâm cá ngựa là có liền mấy nhóc. Hay những vị đã qua tuổi lục tuần, song nhờ hải mã nên vẫn còn “tràn trề sinh lực”.

Để khẳng định về công hiệu của “ngựa biển”, ông cao giọng: “Chưa cần phải uống rượu cá ngựa, chỉ cần trước khi “lâm trận”, ông nhai một khúc cá ngựa khô là thấy hiệu nghiệm tức thì. Nhưng nhớ chỉ làm một mẩu nhỏ thôi nhé, đừng thấy tốt mà ham. Ông mà nhai nguyên con, coi chừng thượng mã phong...”. Nói đoạn, ông nháy mắt. Chẳng biết trong câu chuyện được nghe có bao nhiêu phần trăm là sự thật, song thú thực với chừng đó thông tin cũng đủ làm cánh mày râu phải tò mò, phấn khích.

Lật tìm những tư liệu cũ mới biết, từ lâu người ta đã sử dụng cá ngựa như một loại dược liệu quý để chữa trị bệnh hen suyễn cho trẻ em bằng cách sao vàng tán nhỏ pha vào nước đun sôi để nguội, uống ngày 3-4 lần, mỗi lần 4-5g bột.

Trong sách Hải Thượng Lãn Ông có ghi cá ngựa là một loài thuốc “bổ dưỡng ích tính” có tác dụng bồi dưỡng cho người già yếu thần kinh suy nhược. Nhưng dược tính nổi trội của hải mã vẫn là công năng trong việc tăng cường bản lĩnh đàn ông. Chưa thấy có một nghiên cứu chính thức nào đánh giá về mức độ cải thiện đời sống phòng the, song từ lâu người ta vẫn xem hải mã là “viagra của đại dương”.

Chuyện ở phố tăng lực

Vì những đồn thổi nên người ta đua nhau mua cá ngựa ngâm rượu. Không ít người quan niệm, có một bình “tráng dương đệ nhất tửu” trong nhà cũng giống như có được chiếc chìa khóa vạn năng của tình yêu. Hễ đi du lịch ở xứ biển như Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết… thì cũng cố tìm mua vài cặp “ngựa biển” về làm “bảo bối tình yêu” hoặc để làm quà biếu. Do đó, chẳng có gì lạ khi ở khu vực cảng Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang có hẳn một tuyến phố chuyên bán cá ngựa.

 

Cánh mày râu hay đùa, gán cho khu vực cảng Cầu Đá cái tên “phố tăng lực”. Phố trải dài khoảng 100m, gồm hơn chục quầy hàng bày bán hàng ngàn con cá mặt ngựa. Giá cả ở đây cũng đủ loại, từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng một cặp cá ngựa sống. Hôm tôi đến, các quầy bán cá ngựa ở đây khá đông khách.

Thấy mấy ông khách đến từ TP. Hồ Chí Minh dán mắt vào chiếc hồ kính ngắm loài cá tăng lực, bà Lan, chủ quầy ở đầu phố đon đả mời khách: “Hải mã trong đông y nói bổ đủ đường, giúp chữa sáng mắt, thải độc, chống đau lưng, mạnh gân khớp…nói chung là nếu sử dụng thường xuyên sẽ giúp chim le le trở thành đại bàng dũng mãnh”. Nói đoạn, bà chủ nháy mắt cười đầy bí hiểm.

Ghé vào một điểm bán cá ngựa khác ở cuối “phố tăng lực”, bà Út Hường (chủ quầy cá ngựa Thu Hường) lại tiếp thị cho khách bằng những kiến thức “uyên thâm” về loại cá mặt ngựa gân guốc này. Nghe đâu, bà Hường trước đây từng công tác tại Viện Hải dương học, sau đó nghỉ việc về thuê mặt bằng ở Cầu Đá để buôn bán. Bà rành rọt cho biết: “Hải mã quý nhất là đôi mắt. Mua hải mã mà bị mất mắt thì coi như vứt đi, cho dù cá có bự cỡ nào cũng không ăn thua”.

Chỉ vào mấy chú cá ngựa bằng 2 ngón tay, bà Hường bật mí: “Để có được những chú hải mã còn lành lặn là không dễ đâu. Khi săn được nó, người thợ lặn phải khéo léo đưa nó lên mặt nước để mắt nó không bị nổ. Nếu bắt được cặp nào lúc đang giao phối thì công năng thật tuyệt”. Qua câu chuyện của bà Hường, tôi mới thấy cá ngựa còn nhiều điều thú vị, thậm chí còn vượt xa cả chức năng “bổ thận tráng dương” của nó.

Chuyện tự tình, sinh nở của cá ngựa thật khác lạ. Con cá ngựa cái đẻ trứng, còn cá ngựa đực thì... đẻ con. Bụng cá ngựa đực thường to hơn bụng cá cái. Vào thời điểm cá ngựa cái chuyển dạ đẻ trứng, nó tìm đến với cá ngựa đực. Khởi đầu là cuộc đuổi bắt lẫn nhau, chúng di chuyển liên tục. Rồi, cá ngựa đực mở rộng miệng túi, cho cá ngựa cái đẻ trứng vào, đồng thời thực hiện nhiệm vụ “truyền giống”. Kể từ lúc đó, con đực bắt đầu thời kỳ mang “bầu”. Suốt thời gian này (khoảng 12 đến 18 ngày), ổ trứng nằm trong túi cá ngựa đực dần dần phát triển thành phôi và được cá đực nuôi dưỡng bằng việc cung cấp dinh dưỡng thông qua các mạch máu nhỏ li ti ở bên trong thành túi.

Đến khi trứng thành cá con, cá ngựa đực chuyển dạ, trải qua cuộc “vượt cạn” nhọc nhằn, giống như tất cả những người làm mẹ khác của muôn loài...

Mưu cầu hạnh phúc

Cá ngựa có đặc tính đẻ nhiều và vô cùng chung thủy. Trong vòng đời, nó chỉ chọn một bạn tình duy nhất. Có lẽ cũng vì khả năng “ưu việt” trong chuyện tình yêu mà loại “ngựa biển” mang lại nên thời gian gần đây, nhiều người xem việc nuôi cá ngựa cảnh như một thú chơi mang tính phong thủy.

Anh Nguyễn Văn Nam (chủ cửa hàng Nam Cá Ngựa trên đường Trần Phú, Nha Trang) tiết lộ: “Thời gian gần đây, người ta đang manh nha nuôi hải mã phong thủy. Nghe đồn, nuôi hải mã trong nhà sẽ có lộc con, gia đình luôn hạnh phúc, sung túc. Cách đây mấy tháng, có ông khách ở tận Hà Nội, gia đình giàu có nhưng vợ chồng hay bất hòa. Nghe thầy phong thủy, ông vào đây mua 6 con cá ngựa về nuôi trong nhà. Chẳng biết có linh ứng hay không, nhưng cách đây mấy bữa, ông lại gọi điện vào nhờ tuyển cho 3 cặp cá ngựa thân trắng nữa để ông tặng người bạn”.

Theo anh Nam, nuôi cá ngựa cảnh là nghề chơi khá công phu, trước đây rất ít người nuôi vì cá thường chết sau một vài tuần lưu giữ. Ngày nay, nhờ những thành tựu trong việc cho sinh sản nhân tạo, cá ngựa được thuần hóa từ nhỏ, nên chúng dễ dàng sống trong bể nuôi, nghề chơi cá ngựa trở nên phổ biến hơn.

Anh Nam tiết lộ thêm: “Giờ đây, người ta không chỉ dùng cá ngựa để ngâm rượu, mà nó còn có tên trong nhiều món ăn thuộc dạng “tiến vua” đấy. Chỉ cần 1 cặp cá ngựa, 1 bao tử heo hầm chung với thuốc Bắc, ăn thường xuyên thì sức khỏe dồi dào”.

Sau nhiều lần tìm đến “phố tăng lực”, cuối cùng tôi cũng mua được 3 cặp cá ngựa đỏ cho ông bạn đồng nghiệp. Dù còn trắc ẩn về những câu chuyện nghe được xung quanh loài “ngựa biển”, song cứ nghĩ đến vẻ mặt hớn hở của ông bạn khi nhận được món “tráng dương đệ nhất tửu” từ Nha Trang gửi lên, lòng bỗng thấy vui vui.

Theo Đình Lâm
Khánh Hòa Online
Theo Người lao động