Giới nghiên cứu gần đây bắt đầu khai quật kim tự tháp El Volcan (Núi lửa) ở vùng duyên hải Peru để tìm hiểu vì sao công trình này lại có hình dạng kỳ lạ như vậy và nó được dùng cho mục đích gì, theo Business Insider.
Kim tự tháp El Volcan cao hơn 15 mét được các nhà khảo cổ phát hiện khi nghiên cứu thung lũng Nepena vào thập niên 1960. Gò đất nhân tạo này nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia bởi nhìn từ xa, công trình trông rất giống núi lửa có đỉnh hình lòng chảo.
Trong nghiên cứu đầu tiên được công bố trên tạp chí Antiquity, các nhà khoa học ước tính công trình ra đời trong khoảng năm 200-900 trước Công nguyên, đồng thời đưa ra hai giả thuyết để giải thích cho hình dạng khác thường của kim tự tháp.
Trong giả thuyết thứ nhất, kim tự tháp có hình nón là hậu quả của việc các nhóm trộm mộ đào bới đỉnh công trình để đột nhập vào bên trong lấy tài sản, khiến phần đỉnh kim tự tháp biến mất, để lại hố sâu như miệng núi lửa.
Tuy nhiên, giả thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ. Để có thể tạo nên hố sâu như thế, những kẻ trộm mộ phải đào xới tới 2.135 m3 đất đá. "Lượng đất đá như vậy chắc chắn rất dễ quan sát nếu được đổ xuống bên ngoài kim tự tháp", các nhà nghiên cứu nhận định.
Bởi vậy, các nhà nghiên cứu thiên về giả thuyết thứ hai là kim tự tháp được cố tình xây giống núi lửa để phục vụ các nghi lễ gắn liền với sự kiện thiên văn quan trọng.
Phương pháp xác định niên đại bằng phóng xạ carbon hé lộ lần cuối cùng kim tự tháp có người đặt chân đến là năm 1563. Trước đó, tổng cộng 4 lần nhật thực toàn phần diễn ra ở Peru vào các năm 1521, 1538, 1539 và 1543.
Hiện tượng thiên văn này chắc chắn đã thu hút đông đảo người dân địa phương thời kỳ đó tổ chức kỷ niệm. "Người dân Yungas ở vùng ven biển phía bắc và miền trung Peru chào đón nhật thực với niềm vui mừng, khác với sự sợ hãi của người Inca", các nhà khoa học cho biết.