Cô giáo mầm non yêu thương trẻ
Cô Quách Thị Hồng Nhiệm (29 tuổi), vào ngành giáo dục năm 2019, hiện là Tổ trưởng chuyên môn trường Mầm non xã Trung Bình (huyện Trần Đề, Sóc Trăng). Trở thành cô giáo là niềm mơ ước từ nhỏ của cô bé Nhiệm. Sau khi học xong phổ thông, Nhiệm thi đỗ vào trường sư phạm, chuyên ngành sư phạm mầm non. Tốt nghiệp, được tuyển dụng vào trường Mầm non xã Trung Bình, Nhiệm trở thành cô giáo dạy học cho đến nay.
Cô Hồng Nhiệm được đồng nghiệp đánh giá là người luôn có tinh thần trách nhiệm trong công việc, yêu thương trẻ. Mỗi khi lên lớp, cô luôn chuẩn bị giáo án kỹ càng cùng với các dụng cụ, đồ chơi phục vụ việc giảng dạy khiến các em nhỏ rất thích thú giờ học của cô Nhiệm.
“Trong năm học vừa qua, tôi vận động học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt và vượt chỉ tiêu trường giao. Trẻ được khảo sát cuối độ tuổi đạt 100%, được cân đo chấm biểu đồ tăng trưởng và khám sức khỏe định kì. Tôi cũng tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và được đánh giá cao, áp dụng hiệu quả trong giảng dạy tại trường”, cô Nhiệm chia sẻ.
“Cô Thạch Thị Bảo Ngọc là một tấm gương sáng của tuổi trẻ giáo viên nhà trường. Cô là người có chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và công tác đoàn, công tác xã hội. Cô cũng là người có tinh thần vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Thầy Trần Công Lý - Hiệu trưởng trường THPT Phú Tâm
Cô Nhiệm là người rất có kinh nghiệm giúp trẻ em thích nghi với trường lớp, nhất là những trẻ đi học lần đầu. “Giúp trẻ em ở lứa tuổi mầm non sớm thích nghi với môi trường lớp học có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Độ tuổi này trẻ đang trong vòng tay cha mẹ, được cha mẹ dìu dắt từng bước đi, bón từng thìa cơm, chăm từng giấc ngủ, được vui chơi, được ở nhà nên việc rời bố mẹ đến lớp là một việc rất khó khăn. Hình thành những thói quen nề nếp cho các em rất vất vả. Cô giáo phải thực sự kiên nhẫn, có tình yêu thương mới giúp các em vượt qua được những thử thách đầu đời”, cô nói.
Sáng kiến kinh nghiệm: “Một số biện pháp giúp trẻ 3-4 tuổi trường Mầm non Trung Bình sớm thích nghi với môi trường lớp học” của cô Nhiệm đã được đồng nghiệp, các nhà chuyên môn đánh giá cao. Chính nhờ sáng kiến của cô nên học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt và vượt chỉ tiêu trường giao. Trẻ được cân đo chấm biểu đồ tăng trưởng và khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, trẻ em đến trường mỗi ngày là một ngày hạnh phúc.
Nữ Bí thư Đoàn người dân tộc Khmer năng nổ
Cô Thạch Thị Bảo Ngọc (34 tuổi, người Khmer, ở huyện Châu Thành, Sóc Trăng) thấy mình may mắn khi được quay trở lại ngôi trường cũ trong vai trò là một giáo viên. Sau khi tốt nghiệp ĐH Cần Thơ với tấm bằng cử nhân sư phạm Sinh học, cô Ngọc được dạy ở chính ngôi trường mà trước đó mình từng học- Trường THPT Phú Tâm. Hiện cô vừa giảng dạy vừa đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn trường.
“Về trường công tác, tôi được phân công giảng dạy môn Sinh học ở 3 khối lớp 10, 11, 12. Trong giảng dạy, tôi luôn chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tôi còn tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học; tham gia cuộc thi giáo viên giỏi cấp tỉnh”, cô Ngọc chia sẻ.
Với vai trò là Bí thư Đoàn trường, ngoài các hoạt động, phong trào tình nguyện, cô Ngọc luôn ưu tiên các hoạt động khuyến học, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Cô tham mưu cho Ban giám hiệu có những chính sách hỗ trợ kịp thời, không để các em phải bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Nhiều năm qua, dưới sự dẫn dắt của cô Ngọc, Đoàn trường THPT Phú Tâm phối hợp với các đơn vị ngoài nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: phối hợp với Công an huyện, Huyện Đoàn, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành tổ chức tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; tuyên truyền phòng chống ma túy; hiến máu tình nguyện...
Đặc biệt, trường THPT Phú Tâm luôn dẫn đầu toàn tỉnh trong các cuộc thi tìm hiểu luật giao thông đường bộ như “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” cấp THPT, “Thanh niên với văn hóa giao thông” do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức.
Chồng luôn công tác xa nhà, các con còn nhỏ, đồng nghiệp càng khâm phục hơn khi mới đây cô Ngọc hoàn thành chương trình Thạc sĩ Công nghệ Sinh học.
Với những đóng góp trên, cô Thạch Thị Bảo Ngọc đã được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Tỉnh Đoàn Sóc Trăng,... Cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; Bí thư Đoàn cơ sở giỏi cấp tỉnh. Cô là một trong 100 giáo viên, giảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác Đoàn nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương năm 2024.