Dân Kỳ Lợi phần lớn làm nghề chài lưới, số còn lại chỉ cày cấy trên vùng đất nhiễm mặn. UBND xã lấy tên dân kê danh sách nhận về mỗi sào là 16 triệu đồng, chỉ trả cho dân 20%, trích lại 80% làm việc khác.
Trong danh sách nhà nước đền bù tiền đất nông nghiệp cho dân xã Kỳ Lợi năm 2008 có 442 hộ. Mục thứ 443 được ghi “Đất đang tranh chấp” với diện tích hơn 138 nghìn m2, giá trị đền bù gần 4,8 tỷ đồng.
Khi xã nhận tiền về đã lập danh sách gồm 73 hộ sở hữu ruộng hoang, trong đó có 14 gia đình là người thân quen của Xã thì được trả 100% số tiền. Số hộ còn lại họ chỉ phát 20%. Gia đình anh Nguyễn Xuân Sinh bị xã giữ lại 100.360.000 đồng/124 triệu đồng được trả.
Gia đình anh Mai Văn Sỹ thay vì được nhận 143 triệu đồng thì chỉ được nhận 28 triệu đồng.
Đặc biệt, anh Lê Xuân Dợi 40 tuổi, bị cụt một tay do tai nạn nghề biển, vợ là Lê Thị Tình 37 tuổi nhà có 4 con nhỏ. Gia đình anh Dợi chị Tình phải lo khoản tiền bồi thường hàng chục triệu đồng chưa xong. Nay bị thu hồi gần 9 sào ruộng, Tỉnh đền bù: 140,7 triệu đồng, Xã lên kế hoạch giữ lại 112,7 triệu đồng đưa vào ngân sách, chỉ trả 28 triệu; anh Dợi từ chối chưa nhận đồng nào.
Lê Xuân Dợi cùng Dương Thanh Cảnh và Mai Thế Lực là ba thành viên đấu tranh rất kiên quyết. Sau đó ông Cảnh được lãnh đạo xã trả 100% số tiền Nhà nước đền bù. Còn Dợi dù đấu tranh cũng chưa được nhận.
Mai Thế Lực thì UBND xã làm mẹo chuyển khoản tiền hơn 40 triệu đồng của anh sang bưu điện, nhờ phát giấy mời đến nhận, khi Lực phát hiện ra đã từ chối không nhận đồng nào, cùng hơn 40 hộ thuộc diện chỉ được trả 20% tiếp tục đòi công bằng.
Mai Văn Miểu, một người mù bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ người bố là giải phóng quân nhiều năm chiến đấu ở chiến trường để lại. Miểu lấy vợ sinh ra đứa con gái đầu nay đã hơn 12 tuổi bị câm bẩm sinh không thể đến trường.
Gia đình Mai Văn Miểu đông con, tiền ruộng cũng bị Xã giữ lại. Hằng ngày đứa con gái câm vẫn dắt tay người bố mù ra biển đãi sỏi gom về thành đống, khi nào đủ khối lượng hàng tấn mới bán được vài trăm ngàn đồng mua gạo.
Ông Lê Xuân Điểu, thôn Tân Phúc Thành, ngậm ngùi nói: “Xóm chúng tôi sau lưng là một đụn cát, trước mặt là con sông, dân chuyên làm nghề chài lưới, chỉ được một ít ruộng nhiễm mặn cày cấy đã từ lâu, Nhà nước đền bù mỗi sào 16 triệu đồng, vậy mà đến nay hơn 40 gia đình vẫn bị chiếm dụng tiền.
Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước, sẵn sàng kê khai tài sản để lên khu tái định cư, nhưng sao lại gặp bất công. Bao giờ những gia đình còn lại được nhận tiền thì bà con sẽ tự giác mời cán bộ đến kiểm đếm tài sản...”.
Ngày 15-12, Huyện ủy Kỳ Anh đã về họp dân, nghe sự thật từ dân để có sự điều chỉnh kịp thời.