Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019:

Hạ tầng giao thông “lột xác” khi tư nhân tham gia

TP - Nếu nói về vai trò kinh tế tư nhân trong phát triển đất nước, có thể thấy lĩnh vực giao thông là một trong những thành công nhất trong kêu gọi dòng vốn này. Dòng tiền tư nhân đã làm thay đổi “bộ mặt” hạ tầng giao thông, từ đường bộ, tới hàng không – sân bay, cảng biển…   
Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, một trong những dự án điển hình về vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông

Tư nhân đã rót hơn 9 tỷ USD vào giao thông

Điển hình cho dòng vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông là xây Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Dự án do Tập đoàn Sun Group đầu tư với tổng vốn 7.463 tỷ  đồng. Đây là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam giúp Quảng Ninh ghi tên lên bản đồ sân bay cả nước. Ngoài ra, Tập đoàn này còn đầu tư vào cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (vốn đầu tư 11.857 tỷ đồng), Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (vốn đầu tư 1.032 tỷ đồng)… Cũng trong lĩnh vực hàng không, sau 8 năm Hãng hàng không tư nhân Vietjet hoạt động, hãng này đã đem cơ hội đi máy bay tới nhiều người dân. Thay vì đi máy bay là ước mơ của nhiều người thu nhập trung bình thấp như trước đây.

Với đường bộ, phải kể tới Quốc lộ 1A, từ chỗ chỉ 2 làn xe ô tô và 2 làn xe máy, nguy cơ tai nạn rình rập. Nhờ dòng vốn tư nhân, toàn tuyến đã được nâng cấp, mở rộng lên 4 làn xe ô tô, 2 làn xe máy, với dải phân cách cứng giúp giảm thiểu tai nạn, tăng tốc độ lưu thông. Tư nhân cũng không ngần ngại rót vốn đầu tư làm đường bộ cao tốc, với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bắc Giang - Lạng Sơn; hay 1 số hầm đường bộ như hầm Hải Vân 2, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông giúp rút ngắn thời gian lưu thông và giảm nguy cơ tai nạn so với đường đèo cũ…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho biết, hạ tầng giao thông, đặc biệt với sân bay, cảng biển lâu nay được xem như “độc quyền nhà nước”. Do đây là lĩnh vực trọng yếu và yêu cầu về nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước hạn hẹp (chỉ đáp ứng được khoảng 30,6% nhu cầu đầu tư giao thông), nhà nước cần sự chung tay, dấn thân của khối doanh nghiệp tư nhân. Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với một lĩnh vực đầu tư đòi hỏi vốn lớn, thời gian hoàn vốn lâu, rủi ro cao như giao thông. “Có thể nói, việc tham gia đầu tư sân bay, cảng biển, đường cao tốc là sự dũng cảm của Sun Group. Đây cũng là cách để chúng tôi thực hiện trách nhiệm xã hội tại những vùng đã và đang đầu tư”, ông Trường nói.

Theo Bộ GTVT, thời gian qua, lĩnh vực này thu hút được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư khoảng 209.347 tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD). Trong đó, riêng đường bộ có 68 dự án, với tổng mức đầu tư 207.987 tỷ đồng, còn lại là các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường thuỷ…

Trao đổi với báo chí hồi đầu năm nay, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, khi vốn ngân sách nhà nước khó khăn kênh đầu tư tư nhân trong nước thì rất quan trọng vào sự phát triển của hạ tầng giao thông. Trong tương lai, đây tiếp tục là nguồn lực quan trọng để cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông.

Theo người đứng đầu Tập đoàn Sun Group, nếu được tạo điều kiện tốt nhất, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể trở thành “một động lực quan trọng để phát triển kinh tế”. Do đó, ông Đặng Minh Trường kiến nghị Nhà nước tiếp tục tạo cơ chế, chính sách phù hợp, tháo gỡ những “rào cản” hiện tại, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân lớn mạnh không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thì lưu ý, trong quá trình kêu gọi vốn tư nhân vào các dự án BOT giao thông, đặc biệt với đường bộ, nhà nước chưa lường trước được hết sự tác động. “Xét từng dự án thì đúng, nhưng xét trên một khu vực, một vùng có quá nhiều trạm thu phí đường bộ, khiến chi phí vận tải tăng cao vượt quá sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp. Với trách nhiệm, chúng tôi tiếp thu mọi ý kiến của dự luận, doanh nghiệp, người dân để tìm giải pháp khắc phục”, ông Thể nói. Tương lai, các dự án giao thông kêu gọi tư nhân sẽ thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch (thay vì chỉ định như giai đoạn trước).