Hà Nội tìm cách 'đánh thức' tiềm năng du lịch Hồ Tây

TPO - Với 12 loại hình dịch vụ được hoạt động tại khu vực Hồ Tây, quận Tây Hồ có lợi thế lớn trong phát triển dịch vụ du lịch. Song, đây cũng là thách thức lớn về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản trong quá trình phát triển. 

Ngày 13/7, Sở Du lịch Hà Nội và UBND quận Tây Hồ tổ chức chương trình khảo sát và Hội nghị Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thủ đô năm 2024.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu khai mạc hội nghị.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Tây Hồ là quận trung tâm của Thủ đô, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhiều điểm đến chưa thực sự trở thành sản phẩm du lịch để phát huy tiềm năng vốn có để đa dạng sản phẩm du lịch thu hút du khách.

"Việc kết nối các điểm du lịch cũng vô cùng quan trọng, địa phương cần quy hoạch các phương án giao thông, đặc biệt là các bến xe để tránh làm giảm tính hấp dẫn của điểm đến", ông Hiếu nhận định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo các chuyên gia, công tác phát triển điểm đến du lịch của quận Tây Hồ cũng còn tồn tại một số hạn chế.

Ông Phùng Quang Thắng - Chi hội trưởng Chi hội du lịch Xanh Việt Nam - cho rằng: Quận Tây Hồ có ưu thế phát triển du lịch và khác biệt so với các quận khác của Thủ đô với cảnh quan thiên nhiên và những giá trị văn hoá đặc sắc, cùng không gian hồ nước lớn nhất nội thành Hà Nội nằm cạnh dòng sông Hồng. Con đường quanh Hồ Tây có thể trở thành con đường du lịch của Thủ đô. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn đến việc cải tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp cho tuyến đường.

“Đặc biệt, quận Tây Hồ nên có dự báo xa để quy hoạch các điểm đỗ xe rộng ở các khu, điểm du lịch để phục vụ các đoàn khách đông. Cùng với đó, với du lịch văn hóa thì con người thuyết minh vẫn hấp dẫn hơn công nghệ, do đó cần đào tạo cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm”, ông Thắng chia sẻ.

Tây Hồ có nhiều làng xóm tồn tại từ lâu đời với nhiều nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề ướp trà sen nổi tiếng tại Quảng An.

Theo Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội Phạm Duy Nghĩa, dù quận Tây Hồ đã phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc những các điểm đến ở quận Tây Hồ chưa được đầu tư sâu vào chất lượng. Các điểm di tích rất đặc sắc nhưng không có liên kết với các hãng lữ hành để đưa du khách đến. Chẳng hạn, có di tích không mở cửa ngày thường hoặc nhiệt tình đón tiếp du khách.

"Các điểm du lịch, di tích và doanh nghiệp lữ hành cần bắt tay chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, hiện nay Hồ Tây đã dừng kinh doanh thuyền nổi và định hướng phát triển du lịch thể thao", Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội nhận định.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu cho biết trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng với UBND quận Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai các nhiệm vụ để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch trải nghiệm mang tính độc đáo, sáng tạo gắn với các giá trị di sản, di tích và làng nghề của quận Tây Hồ, qua đó góp phần tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.