Theo ông Cương, từ năm học 2024 -2025, học sinh lớp 9 sẽ thi tuyển lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, phương án thi phù hợp với việc dạy và học của chương trình mới.
Khoảng cuối tháng 8 tới, đơn vị sẽ công bố ma trận và định dạng đề thi để học sinh, phụ huynh và các nhà trường được biết.
Riêng phương án thi cụ thể bao nhiêu môn, gồm những môn nào đơn vị sẽ có tính toán cụ thể dựa trên hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT đồng thời lấy ý kiến chuyên gia để đảm bảo kỳ thi chất lượng.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội hằng năm gây áp lực, căng thẳng rất lớn đối với học sinh bởi số lượng thí sinh dự thi đông lên tới con số hơn 100.000 nhưng chỉ có khoảng 62% em trúng tuyển vào trường công lập. Số học sinh còn lại sẽ lựa chọn trường tư, trường đào tạo nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp.
Nhiều năm về trước, theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, Hà Nội tổ chức thi tuyển lớp 10 với 4 môn, trong đó 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cố định còn môn thi thứ tư được chốt vào tháng 3 hằng năm, cách kì thi vài tháng. Theo lí giải của Sở GD&ĐT, việc này nhằm đảm bảo cho các trường THCS tổ chức dạy học đều tất cả các môn, học sinh có kiến thức nền tảng lên lớp 10.
Ít năm trở lại đây, do ảnh hưởng dịch bệnh với nhiều ý kiến của phụ huynh, giáo viên, Hà Nội tổ chức kỳ thi với 3 môn gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ.
Thời điểm này, nhiều phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 9 nóng lòng chờ phương án thi tuyển lớp 10 THPT theo chương trình mới. Bởi đây là lứa học sinh đầu tiên học chương trình GDPT mới với nhiều điểm khác biệt đó là, có 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và môn Lịch sử - Địa lí.
Nếu phương án vẫn thi 3 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ nhiều người lo lắng học sinh bỏ qua các môn tổ hợp và khi lên THPT không có kiến thức nền tảng để lựa chọn tổ hợp. Nhưng nếu phương án thi 4 môn, thì lựa chọn môn học nào trong các môn thành phần hay chọn theo môn tích hợp cũng là vấn đề cần tính toán.