Hà Nội: Nhiều 'dân nhậu' có nồng độ cồn ở mức vượt khung

TPO - Trong ngày đầu tiên CSGT Hà Nội ra quân thực hiện cao điểm xử lý vi phạm, đã phát hiện nhiều trường hợp điều khiển phương tiện có nồng độ cồn ở mức vượt khung. 

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế.

Từ ngày 20/6, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội ra quân xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Đợt cao điểm này được CSGT toàn quốc thực hiện trong vòng 3 tháng (từ 20/6-20/9).

Một số tài xế thấy tổ công tác làm nhiệm vụ đã đi lên vỉa hè.

Cụ thể, lực lượng CSGT sẽ nắm tình hình tại các địa bàn phức tạp về vi phạm nồng độ cồn là nơi tập trung các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar, vũ trường… để bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm.

Đối với, trường hợp vi phạm là Đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… thì ngoài việc lập biên bản xử lý theo quy định, cán bộ chiến sĩ sẽ ghi lại thông tin nơi công tác, học tập và gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý.

Tổ công tác dừng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn.

Khoảng 13h cùng ngày, ghi nhận tại ngã tư Nguyễn Hoàng - Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), trong vòng nửa giờ đồng hồ, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 - Phòng CSGT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý gần 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Điều đáng nói, trong số đó có nhiều trường hợp vi phạm ở mức vượt khung, trên 0,4miligam/ lít khí thở.

Cán bộ CSGT lập biên bản các trường hợp vi phạm.

Sau khi dừng xe máy BKS 29E2-527.XX kiểm tra, lái xe là ông Nguyễn Tuấn L. được cán bộ CSGT đo nồng độ cồn vi phạm ở mức 0,448 miligam/ lít khí thở. Một trường hợp khác là ông Đỗ Duy Q. đi xe máy BKS 29G1- 876.XX vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,472 miligam/ lít khí thở…

Nhiều tài xế có kết quả đo nồng độ cồn ở mức vượt khung cao nhất.

“Hôm qua tôi có uống bia và không nghĩ rằng hôm nay lại vi phạm nồng độ cồn ở mức cao như vậy. Hiện tôi vẫn tỉnh táo và sẽ rút kinh nghiệm, hạn chế sử dụng rượu bia” - một nam tài xế chia sẻ.

Đối với các trường hợp vi phạm mức vượt khung sẽ bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử lý nghiêm và giữ phương tiện.

Theo đại uý Nguyễn Mạnh Tuấn - Đội CSGT đường bộ số 6, một số tài xế vi phạm thường chủ quan, nghĩ rằng mình đã sử dụng rượu bia vẫn có thể tham gia giao thông, việc này dẫn đến nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người xung quanh.

“Ngoài việc lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định, lực lượng CSGT sẽ kết hợp tuyên truyền để họ nhận thức được lỗi vi phạm của mình và đã uống rượu bia là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông” - đại uý Tuấn cho biết.

Theo đại uý Tuấn, về việc lấy thông tin nơi công tác của người vi phạm để gửi thông báo cũng gặp nhiều khó khăn, bởi các thông tin cơ bản trong biên bản vi phạm chỉ dựa trên CCCD/CMND, giấy phép lái xe… dẫn đến có thể người vi phạm không cung cấp đơn vị công tác vì sợ ảnh hưởng đến công việc.