PV - Với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội nên định hình như thế nào, thưa ông?
Ông Thang Văn Phúc: Hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội ở đô thị rất đặc biệt, có tính liên kết với nhau chặt chẽ chứ không chia cắt theo mỗi đơn vị hành chính. Chính quyền đô thị có tính thống nhất cao trong chỉ đạo, chỉ huy công việc, chứ không phải mỗi quận, phường có chính sách riêng. Hơn nữa, ở chính quyền đô thị cũng cho thấy sự nhanh nhẹn, quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết những vấn đề mới phát sinh.
Với những đặc thù đó, đòi hỏi chúng ta phải tổ chức bộ máy chính quyền đô thị theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, cơ động, linh hoạt. Làm được như vậy, tính hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị mới đảm bảo.
Còn như hiện nay, ngay cả một vụ tai nạn ngoài đường, tại khu vực giáp ranh giữa phường hai phường, hai quận không đơn vị nào đứng ra lo cả. Chuyện rất nhỏ đó, nhưng nó thể hiện sự chồng chéo giữa các cấp chính quyền.
Thực tế cho thấy không nên tổ chức một chính quyền đô thị với tầng tầng lớp lớp như hiện nay. Tôi có quan điểm, cả TP là một cấp chính quyền (có HĐND, UBND) và hai cấp hành chính ở nội thành. Cụ thể, ở nội thành cấp quận, phường không nên tổ chức HĐND, mà chỉ có ủy ban hành chính hoặc cơ quan hành chính.
TP Hà Nội có cả một vùng nông thôn rộng lớn. Vậy quá trình thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cần cơ chế nào cho phù hợp, để không có sự “lệch pha” giữa hai vùng thành thị và nông thôn?
Trong giai đoạn trước mắt, chúng ta cần phân biệt ra khu vực nội thành và khu vực ngoại thành. Khu vực nội thành, nên tổ chức như tôi nói ở trên. Còn khu vực nông thôn hiên nay, với cấp huyện nên bỏ HĐND, nhưng cấp xã vẫn cần tổ chức HĐND. Bởi bản thân cấp huyện chỉ là cánh tay nối tiếp của TP. Còn mô hình làng xã thì rất bền vững, có truyền thống lịch sử nghìn đời.
Với phương án Hà Nội định hướng chọn tổ chức chính quyền đô thị gần như giữ nguyên như hiện nay, chỉ bỏ HĐND cấp phường. Theo ông, nó có tạo động lực cho sự phát triển của Thủ đô hay không?
Theo tôi, đó mới chỉ là cuộc cải cách ngập ngừng, nửa vời.
Nhưng nếu làm mạnh sẽ động chạm đến rất nhiều cán bộ, gây xáo trộn bộ máy hành chính đang hoạt động ổn định của Hà Nội?
Chính vì lo xáo trộn mới dẫn đến kiểu làm ngập ngừng như vậy! Nhưng theo tôi cuộc cách mạng này nên quyết định sớm việc giảm cấp trung gian, bảo đảm tính liên thông, thống nhất trong bộ máy. Thực tế, từ đầu những năm 2000, trong chương trình cải cái hành chính tổng thể đã tính đến. Chúng ta đã có bài học hết rồi, bây giờ có dám thực hiện hay không mà thôi.
Nếu làm nửa vời, nhẹ nhàng như phương án một (chỉ bỏ HĐND cấp phường), theo ông nó đã hình thành mô hình chính quyền đô thị hay chưa?
Việc thực hiện thế nào thì TP Hà Nội sẽ đề xuất với Trung ương và cũng phải chịu trách nhiệm với nhân dân, với sự phát triển của TP trong tương lai. Mệnh lệnh phát triển và sự hội nhập cần phải thay đổi lớn. Còn nếu cứ làm làng nhàng thì không có cải cách.
Theo quan điểm của tôi nếu anh không chịu hi sinh một phần, không chịu đau ở chỗ nào đó thì không thể thay đổi được. Còn mọi việc cứ vui vẻ với nhau thì rất khó làm. Nếu cứ làm nhẹ nhàng như này thì không có chuyển biến gì và cũng không đáng để làm.
Với mô hình chính quyền đô thị, ông có cho rằng đây là cơ hội cho TP Hà Nội tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính không?
Không tổ chức HĐND cấp quận huyện và cấp phường là điều kiện cắt giảm một lượng lớn cán bộ khu vực. Thực tế việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy không chỉ đòi hỏi riêng của Hà Nội mà cả nước cùng thực hiện. Bởi giai đoạn hiện nay đòi hỏi mô hình quản trị mới phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập.
Còn nói là cơ hội để tinh giản biến chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính thì cũng đúng. Nhưng nếu anh không làm thì Trung ương cũng đòi hỏi anh phải sắp xếp lại bộ máy hành chính. Đó cũng là đòi hỏi từ thực tiễn mà mình phải xử lý, nếu không muốn nói là chúng ta đang cải cách quá chậm.
Nếu làm mạnh như quan điểm của ông, thì số cán bộ dôi dư rất nhiều. TP Hà Nội làm cách nào để giải quyết vấn đề này?
Tôi được biết Hà Nội xác định lại vị trí việc làm từ thành phố đến các sở ngành, quận huyện, xã phường. Quá trình thực hiện, Hà Nội cũng nên thực hiện theo hướng nếu cán bộ, công chức nào còn tuổi công tác, đủ sức khỏe nhưng chuyên môn không phù hợp thì cho đi đào tạo lại; Chuyển một số sang khu vực dịch vụ sự nghiệp công và doanh nghiệp; Cho nghỉ sớm nhưng phải có chính sách đãi ngộ phù hợp…
Xin cảm ơn ông!