Ngày 26/7, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri các vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND thành phố.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024 đến ngày 10/7/2024, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đã tổ chức để các ĐBQH tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đoàn ĐBQH thành phố đã tổng hợp 33 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố.
Theo đó, cử tri kiến nghị tập trung vào 4 nhóm vấn đề. Trong đó, nhóm vấn đề về quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri.
Cụ thể, cử tri quận Ba Đình phản ánh, trên một số tuyến đường có tình trạng đào đường để hạ các tuyến cáp nhưng đơn vị thi công hoàn trả mặt bằng không đảm bảo chất lượng. Từ đó, làm cho mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn giao thông. Cử tri đề nghị UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra và có biện pháp giải quyết.
Cử tri quận Hoàn Kiếm kiến nghị UBND TP. Hà Nội xem xét, có cơ chế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với diện tích đất dưới 30m2 cho các hộ dân đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp.
Cử tri quận Cầu Giấy đề nghị thành phố tiếp tục có ý kiến với các cơ quan, đẩy nhanh tiến độ di chuyển các trường Đại học khỏi nội đô, góp phần giảm tải áp lực giao thông, hạ tầng và môi trường khu vực nội đô.
Cử tri huyện Thường Tín đề nghị UBND thành phố sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực cảng Hồng Vân, triển khai dự án cảng container quốc tế Hồng Vân (huyện Thường Tín).
Đối với nhóm vấn đề về nông nghiệp nông thôn, cử tri kiến nghị UBND thành phố có giải pháp tháo gỡ theo hướng cho phép người dân lắp dựng các công trình tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp ngoài bãi sông Hồng, sông Đuống.
Đồng thời, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo bảo đảm đủ nước cho người dân sử dụng, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nguồn nước định kỳ và niêm yết công khai theo quy định.
Cử tri cũng cho rằng, hiện nay công tác PCCC được đặc biệt quan tâm. Vì thế, thành phố đã bổ sung kinh phí, trang thiết bị cũng như thành lập đội PCCC tại các tổ dân phố, xây dựng các mô hình, tổ liên gia về PCCC. Tuy nhiên, đối với các địa bàn có nhiều nhà cao tầng, đặc biệt là nhà cao hơn 10 tầng, thì khi xảy ra cháy nổ, hệ thống thang dây, xe chuyên dụng khó có thể tiếp cận để giải cứu kịp thời. Do đó, cử tri kiến nghị UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu đến các phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà cao tầng.
Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết và trả lời để đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri trong kỳ tiếp xúc trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.