Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo công tác triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp THCS và THPT giai đoạn 2017 – 2024.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đánh giá đề án đạt được các mục tiêu đề ra và đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét, tạo điều kiện để có thể tiếp tục triển khai ở giai đoạn tiếp theo.
Để có thể tiếp tục triển khai đề án ở giai đoạn tiếp theo ông Cương cũng yêu cầu các nhà trường nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt tham gia giảng dạy chương trình quốc tế tại các trường công lập, phấn đấu có một đội ngũ giáo viên quốc tế ổn định về số lượng, bảo đảm về chất lượng theo đúng các tiêu chí của chương trình.
Chương trình A-lever (Tú tài Anh quốc) được Hà Nội đưa vào thí điểm đào tạo trong một số trường công lập từ năm 2017.
Hai ngôi trường đầu tiên được lựa chọn để thí điểm đó là: THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam và THPT Chu Văn An. Theo đó, học sinh học song song 2 chương trình, thi lấy bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam và tú tài Anh quốc.
Đến năm 2018, Hà Nội bắt đầu mở rộng triển khai thí điểm chương trình cả ở bậc THCS với đầu ra là chứng chỉ IGCSE của hội đồng khảo thí Cambrige tại 7 trường gồm: THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Thanh Xuân và THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam.
Theo theo lộ trình, năm học này là năm cuối bậc THCS triển khai thí điểm và năm học 2024-2025 là năm cuối tuyển sinh hệ song bằng cấp THPT.
Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá mô hình đạt các mục tiêu đề ra, có hiệu quả. Cụ thể, tính đến tháng 5/2023 có 246 học sinh THPT hoàn thành Chương trình song bằng và thi lấy chứng chỉ A-Level; có 891 học sinh THCS tham gia Chương trình song bằng.
Tỉ lệ học sinh đạt điểm A* và A cấp THPT cao hơn tỉ lệ trung bình của thế giới, 100% học sinh đạt học lực giỏi và hạnh kiểm tốt, có kỹ năng xã hội tốt, năng động và có năng lực tốt về ngoại ngữ và tin học; đa số đỗ, đạt học bổng vào các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước; nhiều học sinh là thành viên nòng cốt tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và đã đạt 62 giải quốc gia, 102 giải quốc tế trong các kỳ thi.
Tại các trường THCS, đánh giá kết quả học tập theo chương trình của Bộ GD&ĐT, học sinh hệ song bằng được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, trong đó Tiếng Anh cùng một số kỹ năng khác được đánh giá vượt trội. Nhiều học sinh hệ song bằng là thành viên nòng cốt tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố và quốc tế.
Ngành GD&ĐT Thủ đô cho rằng, chương trình đào tạo đã thực hiện có kết quả chủ trương lớn của thành phố Hà Nội đó là tạo ra được một mô hình giáo dục mới mang tính quốc tế, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh theo hướng hội nhập sâu rộng với môi trường giáo dục quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại.
Đề nghị UBND thành phố xem xét nghiệm thu và tổng kết, đánh giá đề án, có chỉ đạo để thực hiện giai đoạn tiếp theo. Kèm theo đó, UBND Thành phố cũng tạo điều kiện về cơ chế, chính sách về nhân sự chất lượng cao, cơ sở vật chất để tiếp tục đào tạo.
IGCSE và A-Level là hai chứng chỉ trung học phổ thông được công nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Khi học chương trình này, học sinh dễ dàng chuyển tiếp khi ra nước ngoài, ứng tuyển vào ĐH ở nhiều nước khác nhau.