Hà Nội đề xuất bịt 'lỗ hổng' trong tiếp công dân

TPO - Để tránh tình trạng cấp trưởng làm nhiều vai, các đại biểu đề xuất luật hóa cấp phó tiếp dân giải quyết những vấn đề mình phụ trách.

Tại buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội mới đây, Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy cho biết, giai đoạn 2016-2021, Thanh tra thành phố đã tiếp 3.930 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 6.910 đơn, thư. Hơn 70% nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất…

Tuy nhiên, qua giám sát công tác tiếp công dân cũng cho thấy còn không ít bất cập. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, còn tình trạng giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân thay (theo quy định của Luật Tiếp công dân, chủ tịch UBND phải trực tiếp tiếp công dân). Ngoài ra, việc phân loại đơn thư còn chưa đúng, ghi chép sổ sách không đầy đủ, theo dõi thiếu chặt chẽ, nhất là thời hạn giải quyết, trả lời...

Cùng chung nhận định trên, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn chia sẻ, thực tiễn trên địa bàn thành phố cho thấy, hoạt động tiếp công dân đa số chủ tịch UBND các địa phương giao cho cấp phó tiếp, qua đó thể hiện có “lỗ hổng” trong công tác này.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại đang đặt ra, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, việc phân loại đơn thư từ đầu nguồn tiếp nhận rất quan trọng, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng xử lý. Thực tiễn, tiêu đề của đơn không ghi là tố cáo, nhưng nội dung là tố cáo thì cũng cần chuyển đơn giải quyết theo quy định.

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn đề xuất, Quốc hội nên sửa đổi quy định về số ngày cấp trưởng tiếp công dân. Hiện nay, chủ tịch UBND các địa phương tham gia rất nhiều “vai”, cả cấp ủy và chính quyền nên quá nhiều việc, vì thế cần quy định là chủ tịch UBND tiếp công dân 1 ngày/tháng, còn lại giao cấp phó tiếp. Ở một số lĩnh vực, cấp phó được phụ trách mảng, lĩnh vực thì việc nắm bắt, trả lời ngay được các vấn đề tại cơ sở sẽ dễ dàng hơn.

Đồng tình với việc giao cấp trưởng tiếp công dân 1 ngày/ tháng, còn cấp phó tiếp 3 ngày/ tháng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, có vụ việc chủ tịch UBND giải quyết được ngay, nhưng có việc cấp phó cũng giải quyết được theo lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, cần phải “luật hóa” vấn đề này mới dễ thực hiện.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên cho rằng, để tránh trùng lặp đơn thư, phần mềm tiếp công dân của thành phố cần sớm được củng cố. Việc này ngành Thanh tra thành phố sớm tham mưu với UBND thành phố để triển khai rộng, nhằm xử lý thông tin nhanh, không trùng lặp, giảm nhân lực.

Dự báo xu hướng khiếu nại, tố cáo sẽ tăng trong thời gian tới, liên quan đến quá trình đô thị hóa và nhiều vấn đề dân sinh như môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng... Vì thế, công tác tiếp công dân của thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường kỷ cương, trách nhiệm hơn nữa. Trong đó, cấp ủy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc người dân phản ánh, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở để không tạo nên bức xúc, dẫn đến khiếu nại đông người, vượt cấp gây bất ổn xã hội.