>Doanh nghiệp không vay được tiền cứ đến NHNN
“Lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, ông Đặng Quốc Hùng, nói với PV Tiền Phong ngày 11-4. Theo ông Hùng, lãi suất các ngân hàng cho doanh nghiệp vay thấp nhất cũng phải 18%/năm, với mức đó dù ngân hàng có sẵn sàng thì nhiều doanh nghiệp vẫn không dám vay, bởi không thể trả nổi. Những khó khăn về vốn kéo dài thời gian qua đã bào mòn sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, từ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu vì không đàm phán được với các đối tác. Giá thành tăng cao (vì giá đầu vào tăng), trong khi các đối tác không ngừng đòi giảm giá. Kể từ tháng 3, nhiều doanh nghiệp bắt đầu mất thị trường xuất khẩu vì không có đơn hàng.
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Câu lạc bộ CEO (Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM) cho rằng, vấn đề hiện nay không còn là chuyện lãi suất nữa mà là thị trường. Bây giờ lãi suất có xuống thấp nữa thì nhiều doanh nghiệp cũng chưa chắc dám vay vì sức mua trên thị trường đang giảm trầm trọng. Khi sức mua giảm thì lượng hàng tồn kho tăng lên và doanh nghiệp chôn vốn trong đó.
Theo ông Đỗ Long, Phó chủ tịch Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), việc đình đốn, đóng cửa sản xuất phần lớn rơi vào các doanh nghiệp phải sử dụng vốn vay với tỷ lệ lớn và doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu ngoại nhập để sản xuất.
Khẩn cấp cứu doanh nghiệp
“Phải lập tức cứu doanh nghiệp!”, bà Phương nói. Bà Phương cho rằng, vấn đề cần làm ngay để cứu doanh nghiệp, là phải đưa tỷ giá hợp lý. Phải nới lỏng việc cho vay ngoại tệ, đối với doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ về thì nên cho họ vay ngoại tệ theo nhu cầu, chứ không siết. Thứ ba là giải cứu doanh nghiệp, xem doanh nghiệp nào có nguy cơ phá sản thì cứu bằng cách mua lại, hỗ trợ vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất. Thực chất của việc cứu doanh nghiệp là cứu người lao động có công ăn việc làm, ổn định đời sống.
Nhóm chuyên gia của ngân hàng ANZ là bà Phạm Hải và ông Paul Gruenwald nói: Tốc độ quá nhanh của chính sách bình ổn tiền tệ không khỏi làm chúng tôi lo lắng. Thứ nhất, việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay này có thể sẽ khiến kỳ vọng lạm phát tăng cao và sẽ có thể gây khó khăn cho việc duy trì mức lạm phát trong tầm kiểm soát như hiện nay . Thứ hai, lạm phát suy giảm gần đây chủ yếu là do giá cả thực phẩm giảm, trong khi đó giá cả của các mặt hàng phi thực phẩm như xăng dầu vẫn tương đối cao. Điều này cho thấy sức ép lên giá cả từ nhu cầu của người dân vẫn không dịu lại, mặc dù đã được giảm nhẹ do tăng trưởng chậm lại.