Hồ sơ các vụ việc ngày một đầy lên, chủ yếu là các vụ án liên quan đến hành vi tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép.
Trung tá Ly Thế Đồng, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh cho biết: Cơ quan ANĐT vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND tỉnh truy tố các bị can về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Các bị can là Sùng Mí Mua (SN 1971), Giàng Thị Chúa (SN 1973, vợ của Mua) cùng trú tại xã Thượng Phùng và Vàng Mí Dậu (SN 1990) trú tại xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. Trước đó, qua ứng dụng Wechat, các đối tượng đã liên hệ đưa một nhóm người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nghệ An để vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm với giá 1.900 nhân dân tệ/người.
Trong một vụ án khác, đối tượng Đinh Xuân Kiên, SN 1985, thường trú tại tỉnh Ninh Bình bị bắt quả tang khi đang đưa 9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vào lúc 2h sáng tại khu vực TP Hà Giang. Trải qua những ngày dài bị tạm giam, Kiên không nhớ nổi bao nhiêu lần và đưa được bao nhiêu người nhập cảnh trái phép. Sau mỗi phi vụ, Kiên được trả từ 20 đến 30 triệu đồng tiền Việt Nam tuỳ theo thương lượng.
Kết quả, hiện nay Kiên đang phải trả những cái giá rất đắt cho những chuỗi ngày dài trong trại tạm giam, chờ ngày thụ án. Khi kể về hành vi của mình, Kiên tỏ ra hối hận và bộc bạch: “Tôi biết việc làm của tôi là vi phạm pháp luật, vì suy nghĩ nông cạn và hám lợi, đến nay tôi đã hiểu hết hậu quả của mình làm không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID ra cộng đồng. Tôi rất ân hận về việc làm của tôi và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc mà Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Giang đang thụ lý, điều tra về hành vi tổ chức cho người xuất, nhập cảnh trái phép diễn ra trên địa bàn. Trên thực tế, các đối tượng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, cách thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo; chúng bố trí đối tượng cảnh giới, lợi dụng công nghệ thông tin để chuyển tiền, chuẩn bị các nội dung đối phó với cơ quan chức năng. Các đối tượng phạm tội không trực tiếp gặp, đưa dẫn đường trong quá trình di chuyển mà chỉ liên lạc qua Zalo, Facebook, Wechat… nhất là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Ngoài ra chúng lợi dụng địa bàn có đường biên giới dài, hiểm trở, nhiều đường mòn, móc nối các đối tượng sinh sống khu vực biên giới, lợi dụng đêm tối để đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm.
Đại uý Nguyễn Viết Hà, điều tra viên chia sẻ: Các đối tượng chủ mưu của các vụ việc thường sinh sống ở nước ngoài, không trực tiếp vào địa bàn, chủ yếu thông qua đầu mối là người dân trong nước; mặt khác, một số vụ án, người xuất, nhập cảnh trái phép là người nước ngoài, khi được trao trả về nước rất khó triệu tập, làm rõ. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, CBCS của đơn vị luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Thời gian qua, hoạt động phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh trái phép hoặc trốn ở lại Việt Nam trái phép; tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài trái phép trên địa bàn tỉnh Hà Giang diễn biến phức tạp. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý, khởi tố điều tra 12 vụ với 34 bị can, hiện đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 5 vụ với 19 bị can” - Trung tá Ly Thế Đồng cho biết thêm.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh, cư trú trái phép trong nước gây nhiều khó khăn cho những nỗ lực phòng chống dịch bệnh trong nước. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, điều tra, xử lý, tăng hình phạt đủ sức răn đe thì rất cần sự chung tay vào cuộc cả hệ thống chính trị và mỗi người dân tham gia phát hiện, tố giác, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.