“Trực chiến” tại Hà Nội
Hà Thị Thanh Tuyền (sinh viên khoa Tiếng Nga, ĐH Hà Nội) là Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 7/4, kiêm phụ trách hoạt động tình nguyện tại điểm hiến máu cố định 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cô không về quê mà ở lại Hà Nội tham gia vận động hiến máu trên địa bàn phụ trách và tăng cường lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Tuyền cho biết, ảnh hưởng của dịch khiến nhiều chương trình hiến máu bị hoãn, lượng người đến điểm hiến máu cố định giảm mạnh, có ngày chỉ tiếp nhận 2-3 đơn vị. Nhưng không thể một ngày điểm hiến máu thiếu tình nguyện viên; không để một ngày hoạt động tuyên truyền vận động bị “đóng băng”. Cô vừa duy trì hoạt động của Chi hội vừa tổ chức cho các thành viên đẩy mạnh phổ biến các biện pháp hiến máu an toàn, thông tin tình trạng khan hiếm máu. Đồng thời, gọi điện thoại vận động những người từng hiến máu tại điểm cố định. “Tôi chỉ mong mỗi ngày, điểm mở cửa có người đến hiến máu, càng đông càng tốt. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày được bận rộn và tiếp nhận được nhiều đơn vị máu đáp ứng nhu cầu chữa trị của những người bệnh đang cần máu để duy trì sự sống, để họ vơi đi nỗi đau của bệnh tật”, Tuyền nói.
Để những người bệnh cần máu vơi đi nỗi đau là lý do Tuyền tham gia câu lạc bộ máu ngay từ năm nhất đại học. Cô tâm sự, em trai cô bị ung thư tủy xương phải truyền máu trong quá trình điều trị kéo dài. “Hình ảnh em chống chọi những cơn đau của bệnh, những lần chậm truyền máu, rồi ngày em ra đi đã hằn sâu trong suy nghĩ, trở thành động lực để tôi tham gia tình nguyện. Tôi muốn hiểu hơn hơn những căn bệnh về máu và làm điều gì đó giúp ích cho người bệnh, thân nhân của họ”, cô nói.
Không chỉ tích cực tuyên truyền vận động hiến máu, Tuyền còn tham gia hiến máu. Suốt năm đầu đại học, cô liên tục bị từ chối vì sức khỏe không đảm bảo. “Sau nhiều nỗ lực cải thiện sức khỏe, mùa hè 2018 tôi đã có lần đầu tiên hiến máu. Tôi đã khóc khi cầm tờ phiếu lấy máu và hạnh phúc khoe với các thành viên trong đội. Đến nay, tôi đã ba lần hiến máu”, cô nói.
Chờ lần hiến máu thứ 6
Ngô Văn Hiển (sinh viên khoa Hệ thống thông tin quản lý, ĐH Bách khoa Hà Nội) là đội trưởng Đội Thanh niên vận động hiến máu Khát vọng Bách khoa - thuộc Chi hội 15/10. Cậu cho biết, việc tuyên truyền vận động hiến máu khó khăn tùy vào từng thời điểm trong năm, thường khó nhất là trước và trong Tết Nguyên đán. Thời gian dịch COVID-19, nhất là tháng 3, còn khó khăn gấp nhiều lần. “Không chỉ làm công tác vận động theo chương trình của Đội, các thành viên còn phải canh Facebook trả lời tin nhắn, lan tỏa thông tin vận động hiến máu được rộng rãi nhất. Nhiều người có tâm lý sợ lây bệnh, chúng tôi có thêm nhiệm vụ giải thích để họ tin tưởng các phương án đảm bảo hiến máu an toàn, đừng ngại COVID của Viện Huyết học và các điểm hiến máu”, Hiển kể.
Hiển cũng tích cực tham gia hiến máu và đã sở hữu 5 “sổ đỏ” chứng nhận. Ít ai biết, bố mẹ lo lắng chỉ cho Hiển hiến hai lần trong một năm, nhưng cậu toàn trái lệnh. “Là tình nguyện viên có hiểu biết về hiến máu và thấy được sự ý nghĩa cần thiết của máu với người bệnh nên mỗi khi có điều kiện lại đi hiến. Mới đây tôi đi hiến lần thứ 6 nhưng không thành công vì huyết tương đục, nên đang cân đối lại sức khỏe để có thể cho được máu”, Hiển tâm sự.
Hà Thị Thanh Tuyền và Ngô Văn Hiển đều từng tham gia hoạt động tình nguyện vận động, hỗ trợ người hiến máu, cũng như hiến máu trong chương trình Chủ nhật Đỏ do Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức. Tuyền nhớ nhất lần đầu tiên tham gia Chủ nhật Đỏ khi đang học năm thứ hai và ấn tượng với không khí hoạt náo, sức ảnh hưởng của Chủ nhật Đỏ.
Còn Hiển lại ấn tượng nhất khi hỗ trợ "chạy điểm" với nhiệm vụ hướng dẫn, chăm sóc người hiến máu trong khuôn khổ chương trình khai mạc Chủ nhật Đỏ 2020 tại ĐH Bách Khoa. "Dù thời tiết mưa phùn và thời gian đó có nhiều chương trình hiến máu trong khu vực, nhưng điểm lấy máu Chủ nhật Đỏ tôi hoạt động vẫn thu về hơn 800 đơn vị", Hiển nói.