Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á: Tài xế bấn loạn lo thu nhập giảm

Hôm 26/3, Grab Việt Nam chính thức phát đi thông cáo cho biết hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Để đảm bảo hoạt động bình thường, ổn định cho các đối tác tài xế, ứng dụng Uber tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục hoạt động trong hai tuần tới.
Việc hợp nhất Uber và Grab sẽ hoàn tất vào ngày 8/4/2018.

Mặc dù vậy, giới tài xế Uber tỏ ra lo lắng, bất an về thu nhập có thể giảm đi một nửa sau khi về chung một mái nhà.

Tài xế méo mặt lo thu nhập giảm

Chiều 27/3, văn phòng đại diện của Uber tại địa chỉ 71 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội đóng cửa kín mít. Trên khung cửa kính dán tờ thông báo ghi rõ: Văn phòng Uber tạm thời đóng cửa. Ứng dụng Uber vẫn hoạt động bình thường. Thông tin Uber – Grab sẽ được gửi tới đối tác trong thời gian sớm nhất.

Nhiều tài xế Uber đi qua đi lại, không giấu nổi gương mặt thất thần. Trên tay cầm chiếc điện thoại thông minh bật sẵn ứng dụng tìm khách, anh Mạnh, một tài xế của Uber cho biết, dù đã nhận được thông báo nhưng anh vẫn tìm đến đây với mong muốn được Uber giải đáp nhiều thắc mắc.

"Chúng tôi là đối tác của Uber nhưng chỉ sau khi Uber hoàn tất bán lại cho Grab chúng tôi mới được thông báo. Lẽ ra, Uber nên thông báo trước để cho tài xế được chuẩn bị tâm lý. Tôi cũng đang băn khoăn, liệu rằng khi về Grab, chúng tôi có bị tăng mức chiết khấu cho hãng này hay không?", anh Mạnh nói.

Theo lời kể, từ khi thị trường xuất hiện Uber và Grab, anh Mạnh tìm hiểu trên mạng thấy giới thiệu lái xe cho Uber cơ hội kiếm tiền hàng chục triệu mỗi tháng. Với số tiền tiết kiệm ít ỏi trong tay cùng với vốn vay ngân hàng 300 triệu, năm 2015, anh mua một chiếc ôtô rồi lên Hà Nội "đầu quân" cho Uber, mang hi vọng đổi đời. Trung bình, mỗi tháng thu nhập của anh cũng được 15 triệu đồng, trừ chi phí ăn ở, thuê nhà, anh tiết kiệm được 8 triệu đồng, một nửa để trả nợ, một nửa gửi về quê.

Đầu quân cho Uber một thời gian, nhận thấy khoảng thời gian xe rỗng lãng phí, anh Mạnh liền đăng ký thêm, trở thành đối tác của Grab. Cũng giống như nhiều tài xế khác, anh Mạnh vừa là đối tác của Uber, vừa là đối tác của Grab.

"Phải tranh thủ như vậy mới kiếm được thêm thu nhập. Có tháng cao nhất, thu nhập của tôi lên đến 30 triệu đồng. Đặc biệt là tháng Tết nguyên đán. Nhưng bây giờ Grab và Uber trở thành một nhà, chắc chắn số cuốc xe sẽ bị ảnh hưởng, thu nhập cũng sẽ giảm theo. Giờ tôi vẫn còn nợ ngân hàng hơn 100 triệu nữa, cày kéo bao giờ mới đủ trả nợ", anh Mạnh lo lắng.

Chung một nỗi hoang mang, anh Sơn, tài xế Uber nói: "Trước kia, tôi là tài xế của Grab nhưng vì lý do cá nhân, tôi đã bị Grab khóa tài khoản. Sau đó, tôi chuyển qua lái xe Uber. Tôi đang lo sợ Grab sẽ không nhận làm đối tác nữa".

Còn anh Hữu Long có tài khoản lái xe ở cả hai ứng dụng trên, chia sẻ rằng Uber có chế độ tốt hơn Grab. Với ứng dụng Uber, anh đang chịu mức chiết khấu cho hãng là 20% trong khi tài xế Grab phải chịu chiết khấu lên đến 25%. "Anh em trong nghề đang kháo nhau rằng GrabCar có khả năng lại tăng chiết khấu. Nếu tăng thêm nhiều thì chắc tôi nghỉ, vì chạy làm gì có lãi", anh Long quả quyết.

Giới tài xế Uber lo lắng thu nhập sẽ giảm hơn một nửa sau khi về chung một mái nhà với Grab

Trong khi giới tài xế lo ngại thu nhập sụt giảm sau khi Uber về tay Grab, nhiều khách hàng tỏ ra băn khoăn về chính sách ưu đãi, mã giảm giá của hãng này.

Chị Tuyết Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị sử dụng dịch vụ Uber từ lúc Uber mới xuất hiện ở Việt Nam. Mặc dù giá không rẻ hơn Grab nhưng gia đình chị hài lòng về chất lượng và dịch vụ của Uber. 

"Là khách hàng trung thành của Uber, tôi nhận được rất nhiều khuyến mại, mã giảm giá. Thời gian tới, khi Uber về Grab thì những quyền lợi này của tôi có được giữ lại hay không?" chị Mai đặt câu hỏi và trả lời: "Nếu không còn giảm giá, mà Grab lại tăng cước phí vì độc quyền, chúng tôi sẽ quay trở lại đi taxi, đi ôtô giá rẻ chắc sắp hết thời".

Grab lên tiếng trấn an tài xế

Trước những thắc mắc trên của khách hàng, đại diện Grab đã lên tiếng trấn an và khẳng định mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường cả tài xế lẫn khách hàng, chưa có gì thay đổi.

Ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam cho biết, dù không còn đối thủ nhưng Grab vẫn cam kết giữ vững những lợi ích lâu dài. Đối với các tài xế, Grab cho biết họ sử dụng nền tảng mở để đảm bảo việc chuyển giao giữa Grab và Uber diễn ra suôn sẻ. 

Các tài xế đối tác và người dùng của Uber có thể được dễ dàng tích hợp vào nền tảng ứng dụng của Grab. Các tài xế của Uber cũng có thể ngay lập tức gia nhập vào đội ngũ của Grab ngay khi họ chấp thuận tham gia.

Tuy nhiên, phía Grab không cung cấp thêm các thông tin về những chương trình khuyến mại mà hãng này đang áp dụng sẽ tăng lên hay giảm đi.

Liên quan đến lo ngại về Grab độc quyền thị trường Việt Nam, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Đại học Fulbright cho rằng, hiện chưa thể đánh giá tính chất thương vụ Uber sáp nhập Grab về khía cạnh Luật cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhờ vị thế tạm thời độc quyền mà Grab có lợi nhuận cao, sẽ kích thích các nhà đầu tư gia nhập ngành và cuộc cạnh tranh tiếp tục sẽ trở lại. "Vấn đề là Nhà nước phải đảm bảo điều kiện gia nhập ngành dễ dàng", ông Tuấn nhận định.

Theo Theo Vneconomy