Gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng giải ngân chậm: Máy móc hay tắc trách?

TP - Dù “mắc kẹt” trong các vùng phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch ở thành phố nhưng nếu muốn được hỗ trợ từ các gói an sinh xã hội (gói 26.000 tỷ đồng), người lao động (LĐ) vẫn phải… về quê xin xác nhận. Thực tế đó khiến các chuyên gia cũng tỏ ra xót xa, đề nghị cắt bỏ, chấp nhận thiếu vài thủ tục nhỏ để hàng triệu người khó khăn sớm nhận được hỗ trợ.
Hà Nội giãn cách xã hội, người dân không ra đường khi không cần thiết, nhưng nếu muốn được hỗ trợ họ phải về quê xin xác nhận Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Hà Nội, trên bỏ, dưới vẫn yêu cầu

Tại Hà Nội, ban đầu UBND thành phố quy định LĐ tự do đang sinh sống trên địa bàn muốn nhận hỗ trợ lao động đó phải có giấy tờ đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp LĐ đăng ký tạm trú và thường trú khác nhau, phải thêm xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại nơi thường trú (hoặc tạm trú). Sau khi triển khai, người LĐ phản ánh, đang trong giãn cách xã hội, không thể về quê xin xác nhận chưa hỗ trợ, Hà Nội đã bỏ quy định này; giao địa phương nơi cấp hỗ trợ thông báo tới nơi người LĐ đăng ký thường trú (hoặc tạm trú) để tránh chi trùng lặp. Ngày 13/8, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội có văn bản hướng dẫn các quận, huyện bỏ quy định xác nhận 2 chiều kể trên.

Tuy nhiên, thực tế cấp phường, xã triển khai thực hiện các quy định tới người dân không như vậy. Tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội), UBND phường này đã có 2 văn bản hướng dẫn điều kiện, thủ tục để LĐ tự do nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Trong 2 văn bản (ngày 10 và 15/8), UBND phường Đại Kim đều yêu cầu LĐ tự do đang sống trên địa bàn, nếu thường trú hoặc tạm trú ở nơi khác vẫn phải có xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại nơi thường trú (hoặc ngược lại).

Cũng chính vì điều kiện về cư trú làm khó LĐ tự do nhận hỗ trợ nên nhiều người tại các tỉnh phía Nam đã tìm cách rời phố về quê. Do đó, một số địa phương đã điều chỉnh các điều kiện về cư trú này, Bình Dương và TPHCM là một ví dụ. Tại TPHCM, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố cho hay, tính tới chiều 19/8, LĐ tự do đã được hỗ trợ 2 đợt với tổng số tiền hơn 961 tỷ đồng. Theo ông Tấn, TPHCM chi hỗ trợ vô điều kiện (không phân biệt hộ khẩu, tạm trú) với các LĐ nghèo đang sống trong các khu nhà trọ, lưu trú công nhân, khu bị phong tỏa... với hơn 103 nghìn hộ đã nhận hỗ trợ hơn 154 tỷ đồng.

Tương tự tại Bình Dương, địa phương này đã quyết định chi hỗ trợ 500.000 đồng/người (trong tháng 8), không phân biệt có đăng ký tạm trú, thường trú hay không, chỉ cần đang ở trọ trên địa bàn tỉnh, đang gặp khó khăn.

Cần được hỗ trợ vô điều kiện

Theo Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, tới nay trên 40 địa phương ban hành hướng dẫn hỗ trợ LĐ tự do, trong đó 35 địa phương đã chi hỗ trợ. Hiện tại, các tỉnh phía Nam có số LĐ tự do rất lớn, với trên 10 triệu người. Khi dịch COVID-19 xảy ra, LĐ tự do chịu nhiều ảnh hưởng xấu hơn các nhóm LĐ khác. Riêng 19 tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tính tới chiều 14/8, các tỉnh này đã chi hơn 911 tỷ đồng hỗ trợ 635 nghìn LĐ tự do. “LĐ tự do thu nhập hằng tháng không ổn định, phần lớn là người ngoại tỉnh, tích lũy thường rất ít. Khi dịch bệnh kéo dài, LĐ tự do sẽ rơi vào đói, nghèo và gây ra những tiêu cực cho xã hội, họ rất cần hỗ trợ”, ông Thanh nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 20/8, ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH kể, ngày 19/8, ông nhận được tin nhắn của một người không quen biết ở TPHCM. Người này phản ánh mất việc mấy tháng nay, đã nộp đơn đề nghị hỗ trợ tới phường, nhưng chờ mãi chưa thấy kết quả. “Chắc họ nghĩ tôi còn làm nên nhắn để xem có giúp gì gỡ vướng được không. Người nhắn cho tôi không nói lý do chưa được hỗ trợ, có thể họ phải chờ lâu vì thủ tục hành chính. Các điều kiện về gói hỗ trợ đều do cơ quan nhà nước đặt ra là nếu người LĐ khó tiếp cận thì cần phải điều chỉnh ngay. Chi khẩn cấp nên chúng ta có thể chấp nhận một vài trường hợp sai sót nhưng không phải do cán bộ trục lợi, cố ý làm sai. Do không đủ điều kiện thời gian để kiểm tra kỹ, có thể vài trường hợp người nhận không thật sự khó khăn, họ cũng không thể giàu nhờ khoản hỗ trợ 1-2 triệu đồng này được, nên người dân cũng cần thông cảm không nên khiếu nại điều đó. Quan trọng là tất cả người khó khăn thật đều được hỗ trợ kịp thời”, ông Đàm nói.

Theo thống kê về việc giải ngân gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng tính tới cuối ngày 18/8: Cả nước đã hỗ trợ cho gần 13,1 triệu lượt LĐ và trên 375.500 đơn vị sử dụng LĐ với tổng số tiền gần 7.170 tỷ đồng/26.000 tỷ đồng.

Việc cắt giảm điều kiện để người LĐ nhận được hỗ trợ, theo ông Đàm, phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp tỉnh đã được Chính phủ ủy quyền, vì cấp quận huyện/phường xã không thể làm khác chỉ đạo. “Dù LĐ có đăng ký cư trú hay không, làm việc tự do hay chính thức, họ đều xứng đáng được nhận hỗ trợ từ địa phương nơi mình đang ở”, ông Đàm nói.