Anh Đỗ Văn Phùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ (Tỉnh Đoàn Bình Dương), cho biết, nắm bắt được tình hình đời sống của đoàn viên, thanh niên công nhân còn nhiều vất vả, Tỉnh Đoàn đã triển khai kênh kết nối nhóm trên mạng xã hội, ứng dụng Bluezone. Hiện Bình Dương có 25 câu lạc bộ kết nối thanh niên công nhân với mục đích chính là hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, nhất là thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết, để công nhân ổn định cuộc sống, tránh xa “tín dụng đen”, đơn vị đã triển khai các hoạt động tuyên truyền cho công nhân, đồng thời tìm cách hỗ trợ. Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung hỗ trợ lao động khó khăn; xây nhà tình thương tặng công nhân; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân thông qua việc đảm bảo không thất nghiệp...
Theo bà Hạnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động, tích cực làm việc với các ngân hàng, quỹ tín dụng, tự tạo nguồn quỹ cơ sở… để tìm ra các giải pháp giúp người lao động dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ họ kịp thời trong lúc khó khăn. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng quỹ hỗ trợ công nhân lao động tại doanh nghiệp. Đã có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, thành lập quỹ để người lao động được vay vốn không tính lãi.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đến nay, các tổ chức công đoàn cơ sở đã chi hỗ trợ cho hơn 4.000 đoàn viên, công nhân lao động với số tiền trên 2 tỷ đồng. Đoàn viên, công nhân lao động ở Bình Dương gặp khó khăn được vay từ nguồn vốn tích lũy công đoàn thông qua tổ chức tài chính vi mô CEP. Hiện có 1.815 công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 49 doanh nghiệp nộp đơn xin vay vốn với số tiền hơn 9 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 737 trường hợp với số tiền gần 4 tỷ đồng. Ngoài ra, có 187 đoàn viên, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ với số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, đã giải ngân 271,8 triệu đồng hỗ trợ nhóm tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không lương. Dự kiến tiếp tục hỗ trợ số tiền 26,3 tỷ đồng nếu được tỉnh phê duyệt. Với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng COVID-19, tỉnh đã chi hỗ trợ số tiền 7,8 tỷ đồng.
Bình Dương đã chi trả xong hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng cho người có công, người nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn 14.000 người lao động thuộc nhóm tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không lương vẫn đang chờ nhận hỗ trợ.