Giúp người lầm lạc tìm về nẻo thiện

TP - Nhiều năm trước, thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được xem là điểm nóng về ma túy và HIV. Day dứt trước những thân phận lầm đường lạc lối, những người lính Biên phòng quyết tâm giải cứu, đưa họ về lại nẻo thiện…
Anh Phạm Ngọc M. cùng cán bộ Biên phòng đi thăm vườn keo được CLB tình thương hỗ trợ vốn vay (ảnh lớn); anh rất “mát tay” nuôi bò lớn nhanh (ảnh nhỏ)

“Tôi thấy mình còn may mắn”

Biết có người lạ đến tìm, dù đang chăn bò ở bìa rừng khá xa nhà, anh Phạm Ngọc M. (SN 1975) vẫn lùa bò về chuồng sớm hơn mọi ngày. Anh M. có dáng người khỏe mạnh, không còn vẻ của “con nghiện nhiễm H” với bộ dạng tiều tụy, thất thểu như “xác chết di động” thủa nào. Anh M. nói ngay: “Không giấu gì các anh chị, trước đây tôi nghiện ngập nặng. Năm 2003 tôi đi trại, năm 2004 được ra. Về rồi vẫn nghĩ toàn chuyện tối tăm. Lúc đó Sơn Kim 1 đang là điểm nóng về tệ nạn ma túy, không nghĩ mình sẽ thoát ra được…”.

Phạm Ngọc M. vẫn nhớ lại cái cảm giác một người nghiện nhiễm HIV vừa ra trại, ngay chính người thân cũng e ngại. Ra đường ai nhìn thấy cũng lảng tránh, đề phòng anh. Đúng lúc anh đang chới với nhất thì Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đến nhà vận động, giúp tạo việc làm bốc vác hàng ở cửa khẩu Cầu Treo. Lúc đầu, các chủ hàng không muốn nhận vì họ không tin những người có “lý lịch đặc biệt” như anh.

“Các anh Biên phòng phải đứng ra nhận hàng, giao lại cho bọn tôi làm. Thời gian ở cửa khẩu vừa có việc làm, vừa có tiền sinh sống, tôi thấy mừng vì một thằng bỏ đi như mình vẫn kiếm được tiền bằng mồ hôi, công sức. Những người trong câu lạc bộ chúng tôi giờ đều cắt được cơn nghiện. Nhìn lại những ngày đã qua, tôi thấy mình còn may mắn”, M. chia sẻ .

Thượng tá Phan Chí Vỵ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) cho biết, giai đoạn 2004-2010, thôn Khe 5 được xem là điểm nóng về tệ nạn ma túy và HIV. Vì vậy đơn vị đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) tình thương từ tháng 6/2010, chọn chính thôn này làm nơi tập trung và sinh hoạt tại nhà hội quán thôn.

“Thời gian đầu, nhiều người dân có tâm lý sợ hãi, ngại tiếp xúc và thậm chí xa lánh người nghiện, đặc biệt là người bị nhiễm HIV. Không ít gia đình bỏ nhà đi nơi khác sống, vì lo sợ con cháu lớn lên sẽ bị ảnh hưởng bởi tệ nạn này. Còn những người trong cuộc mặc cảm, tự ti, không muốn công khai thân phận của mình. Nhưng với tinh thần đoàn kết trong nhân dân và Đồn Biên phòng, các thành viên CLB ngày càng gắn bó. Đến nay, CLB được xem là mái nhà chung cho 47 thành viên không may lầm lỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn tham gia sinh hoạt”, thượng tá Vỵ nhớ lại.

Hỗ trợ kinh tế hiệu quả cho người nghiện

Có 25 năm bám nắm địa bàn, trung tá Phan Văn Thông (Đội Vận động quần chúng của Đồn Cầu Treo) gắn bó với CLB từ ngày đầu thành lập. Thời gian đầu, khó khăn lớn nhất của các anh là việc tiếp cận những người như M., bởi họ sợ BĐBP đến lấy hồ sơ để bắt đi trại, nên luôn tìm cách lẩn trốn. Qua nhiều lần, bằng phương pháp tuyên truyền vận động “mưa dầm thấm lâu”, đã khiến họ tin tưởng và nghe theo BĐBP.

“Riêng với anh M., chúng tôi phải đến gia đình cả chục lần, anh mới chịu gặp rồi trở thành thành viên đầu tiên và sau này là thành viên tích cực nhất của CLB. Từ 15 thành viên ban đầu, đến nay đã có 47 người tham gia. Trong đó, có 12 người nhiễm HIV và 4 người nghiện, 5 người có hoàn cảnh gia đình khó khăn. CLB nhận được sự đồng hành, trợ giúp tích cực, hiệu quả từ cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương”, trung tá Thông cho biết.

“Được bố mẹ và làng xóm tin tưởng trở lại, tôi hạnh phúc lắm. Để có ngày hôm nay, tôi sống cả đời cũng không lấy gì trả ơn các anh Biên phòng được. Các anh ấy đã sinh ra tôi lần thứ hai”, M. nói.

Từ tấm gương tìm về nẻo thiện của anh Phạm Ngọc M., nhiều thành viên trong CLB đã biết vươn lên, xây dựng gia đình hạnh phúc. Để tiếp tục giúp đỡ các thành viên trong CLB ổn định cuộc sống, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh và Đồn Cầu Treo đã tạo điều kiện để Ban chủ nhiệm CLB kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn giúp đỡ được số tiền 300 triệu đồng.

“Chúng tôi mua 13 con bò ở độ tuổi sinh sản, sau đó giao lại cho các thành viên trong CLB chăm sóc. Khi bò mẹ sinh ra bê con đến 6 tháng tuổi, Ban chủ nhiệm thu bò mẹ lại, giao cho thành viên khác nuôi. Cứ thế xoay vòng, đến nay đã nhân lên 45 con bê, giao tặng hẳn cho thành viên trong CLB nuôi. Nhờ đó, mô hình hỗ trợ kinh tế cho người nghiện rất hiệu quả”, trung tá Thông cho biết.

Trung tá Phan Văn Thông (Đội Vận động quần chúng của Đồn Cầu Treo) cho biết, BĐBP còn cho các thành viên CLB vay từ 2-10 triệu đồng để mua cây keo giống trồng rừng, nuôi dê và nuôi heo. Đến nay, các hộ thành viên được giúp đỡ đều phát triển kinh tế gia đình ổn định.