Giữ “tay hòm chìa khoá” ở VFF là ai?

TP - Các tổ chức thành viên mong muốn người giữ “tay hòm chìa khóa” của VFF phải năng động, biết kiếm tiền hơn. Tuy nhiên để làm được điều đó thì tân Phó chủ tịch phụ trách tài chính phải có tầm nhìn mang tính đột phá.
Bóng đá Việt Nam cần tìm được người thay thế vị trí do ông Cấn Văn Nghĩa (bìa phải) để lại ảnh: CTV

Phải biết làm truyền thông

Theo kế hoạch, sáng nay đại hội thường niên Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Nội dung được nhiều người quan tâm nhất là cuộc bầu cử bổ sung vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính, gồm 3 ứng viên: ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch Công ty Khai thác khoáng sản Vàng Hà Giang, đồng thời là Chủ tịch CLB Quảng Ninh; ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Động Lực và ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cacao Việt Nam.

Trao đổi với Tiền Phong, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, tân Phó chủ tịch dù là ai cũng phải phát huy được năng lực kiếm tiền của VFF. “Quan điểm của tôi vào VFF để làm việc chứ để có vị trí thì không nên. Theo tôi Phó chủ tịch phụ trách tài chính phải gắn hoạt động tài trợ với công tác truyền thông VFF. Làm bóng đá muốn kiếm tiền thì phải biết làm truyền thông. VFF phải khai thác tốt hơn hình ảnh của các ĐTQG để có thể đem về nhiều tiền hơn”.

3 ứng viên không được đánh giá cao

Soi lại các nhiệm kỳ trước của VFF thì các đời Phó chủ tịch đều chưa “đạt” được như ý kiến của ông Nguyễn Hồng Thanh. Người thành công nhất là ông Lê Hùng Dũng, trên thực tế cũng chỉ tận dụng vị trí ở ngân hàng Eximbank để mỗi năm đưa về cho V-League vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên chừng đó cũng giúp ông Dũng duy trì tiếng nói “nặng ký” ở VFF trước khi được bầu làm Chủ tịch ở nhiệm kỳ 7.

Người kế nhiệm ông Lê Hùng Dũng là bầu Đức không tạo được dấu ấn ở khía cạnh tài chính dù góp công đưa HLV Park Hang Seo sang Việt Nam. Phó chủ tịch Cấn Văn Nghĩa chỉ làm một thời gian ngắn trước khi rút lui hồi tháng 6/2019. Bàn về chuyện người giữ “tay hòm chìa khoá” cho VFF, giới bóng đá có lúc đã đùa rằng năm VFF thành công nhất thì chiếc ghế này bị trống. Cụ thể khi ông Nghĩa rút, Thường trực VFF tạm giao Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn phụ trách thì tình hình tài chính VFF lại rất sáng sủa nhờ hiệu ứng thành công của các ĐTQG.

Đến năm VFF tính bầu bổ sung ghế Phó chủ tịch tài chính thì tiền nong thu về lại đang có xu hướng giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong năm 2021, đội tuyển Việt Nam và U23 sẽ tham gia nhiều mặt trận. Bình thường đây sẽ là năm chờ đợi các khoản thu của VFF sẽ tăng lên. Nhưng khá nhiều người trong giới lại tỏ ra lo lắng khi 3 ứng viên Phó chủ tịch tài chính kể trên đều không được đánh giá cao.

Ông Lê Văn Thành vừa là Trưởng ban Tài chính-tài trợ VFF nhưng đồng thời cũng là Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền. Tài chính lại chính là điểm yếu lớn nhất của Liên đoàn bóng chuyền khi có năm, đội tuyển không thể dự giải châu Á vì…thiếu tiền. Ông Thành nhiều lần “thi” vào ghế Phó chủ tịch tài chính VFF nhưng đều “trượt”, gần nhất ở đại hội 8 trước ông Cấn Văn Nghĩa.

Ông Phạm Thanh Hùng từng cam kết mỗi năm “rót” cho VFF 10 tỷ nếu trúng cử Phó chủ tịch. Tuy nhiên sau giai đoạn 1 LS V-League 2020, ông chủ CLB Quảng Ninh cho Hải Phòng mượn 3 cầu thủ để chạy đua trụ hạng và việc này khiến một số đội bóng phản ứng ra mặt. Dù không liên quan gì đến vấn đề tài chính nhưng ít nhiều câu chuyện trên có thể ảnh hưởng tới lựa chọn của một số thành viên là CLB ở V-League. Doanh nhân Trần Văn Liêng là người duy nhất đưa ra kế hoạch kiếm tiền nếu trúng cử Phó chủ tịch VFF, nhưng đề án của ông Liêng không được nhiều người trong giới quan tâm vì có vẻ như còn khá mới mẻ.

Nội bộ VFF từng có ý kiến đề nghị mở rộng diện giới thiệu ứng viên từ các CLB sau khi đại hội bị hoãn hồi tháng 8. Tuy nhiên rốt cuộc, VFF không có động thái nào để “chiêu hiền đãi sĩ” nên cuối cùng cuộc đua chỉ còn được khoanh vùng ở phạm vi người nhà. Triển vọng để công tác kiếm tiền của VFF mùa tới có bước đột phá xem ra khá khó khăn.

Nội bộ VFF từng có ý kiến đề nghị mở rộng diện giới thiệu ứng viên từ các CLB sau khi đại hội bị hoãn hồi tháng 8. Tuy nhiên rốt cuộc, VFF không có động thái nào để “chiêu hiền đãi sĩ” nên cuối cùng cuộc đua chỉ còn được khoanh vùng ở phạm vi người nhà. Triển vọng để công tác kiếm tiền của VFF mùa tới có bước đột phá xem ra khá khó khăn.