Giữ gìn ổn định trong khu vực có lợi cho Trung Quốc

TP - Nhà báo Chu Phương, biên tập viên của Tân Hoa xã, mới đây đã có bài viết cho rằng, Trung Quốc cần môi trường hòa bình để phát triển, chứ không phải là chiến tranh.

> Biên tập viên Tân Hoa xã phản đối 'thành phố Tam Sa'

Bộ đội biên phòng Việt Nam - Trung Quốc gặp gỡ trao đổi giữ gìn an ninh vùng biên giới. Ảnh: Chu Phương.

Nhà báo Chu Phương sinh năm 1960, Cử nhân Anh văn, Thạc sỹ Báo chí truyền thông, từ 1989 đến nay là biên tập viên công tác tại Ban biên tập đối ngoại của Tân Hoa xã.

Sau khi phía Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây nên tình hình căng thẳng ở Biển Đông, ông đã có những bài viết đăng trên diễn đàn mạng Sina.com và Blshe.com phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông cùng việc ngang ngược thiết lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Các ý kiến của ông đã được nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo cũng như người sử dụng internet trong, ngoài Trung Quốc quan tâm.

Ngày 29-7 vừa qua, Chu Phương đã đăng trên mạng Blshe.com bài viết bày tỏ mạnh mẽ tình cảm với Việt Nam và khẳng định: Hai nước Trung - Việt duy trì quan hệ hữu nghị, giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực là có lợi cho Trung Quốc; Trung Quốc cần môi trường hòa bình để phát triển, không phải là chiến tranh

Mở đầu bài báo, ông viết: “Gần đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt đại biểu các nhân viên quân sự Việt Nam đã từng học tập ở Trung Quốc; thể hiện giới lãnh đạo cấp cao quân đội Việt Nam luôn ghi nhớ sự viện trợ to lớn và vô tư mà Trung Quốc dành cho Việt Nam khi trước, thể hiện họ chưa hề quên Trung Quốc đã từng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng đất nước.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam còn bày tỏ lên án các thế lực thù địch chia rẽ quan hệ giữa hai nước và hai quân đội, mong muốn giữ vững quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nhất là quan hệ hợp tác hữu nghị với quân đội Trung Quốc…”.

Ông thẳng thắn bày tỏ sự tin tưởng đối với thiện chí của Việt Nam bởi ông biết Việt Nam không phải là nước quên những viện trợ to lớn của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến.

 Bất luận xét từ góc độ lịch sử hay hiện thực, hai nước Trung - Việt duy trì quan hệ hữu nghị, giữ gìn hoà bình và ổn định trong khu vực là có lợi cho Trung Quốc. Thứ mà Trung Quốc cần là môi trường hoà bình để phát triển, tuyệt nhiên không phải là chiến tranh .

Chu Phương nhớ lại thời kỳ “Cách mạng văn hóa”, trong khuôn viên đơn vị cha ông có một đơn vị pháo cao xạ, đồng thời cũng có mấy trăm cán bộ, chiến sỹ bộ đội Việt Nam ở đó.

Ông viết: “Hồi ấy tôi đang học tiểu học, hàng ngày đều đến ăn cơm ở nhà ăn đơn vị của bố, nên thấy rất đông bộ đội Việt Nam cùng ăn cơm ở đó. Hồi đó thật là vui vẻ, náo nhiệt. Thời bấy giờ quân và dân đều thích thi hát. Bộ đội Việt Nam thỉnh thoảng cũng bị cuốn vào cùng hát. Đám học trò chúng tôi khi ấy cũng thuộc và hát được nhiều bài hát Việt Nam.

Đến nay tôi vẫn có thể hát bằng tiếng Việt một số câu như: “Việt Nam, Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông”.

Trong thời kỳ “Cách mạng văn hóa”, giới văn nghệ trong nước (Trung Quốc) ngoài “8 vở kịch mẫu” và một vài bộ phim sản xuất trong nước như “Những năm tháng rực lửa”, “Thắng giặc lụt” ra, còn toàn xem các bộ phim truyện của các nước anh em như Albania, Triều Tiên, Việt Nam, Romania.

Trong số đó có nhiều bộ phim Việt Nam như “Vợ chồng A Phủ”, “Đường về quê mẹ”, “Lửa rừng”, “Đảo Cồn Cỏ”… Vì vậy, đối với người Trung Quốc, đại đa số không thể nào hận thù Việt Nam. Đặt mình vào tâm trạng người khác, tôi tin rằng người Việt Nam hẳn cũng như thế”.

Nhìn nhận lại những thăng trầm trong mối quan hệ Việt - Trung trong những năm qua, Chu Phương thẳng thắn bày tỏ rằng từ 1979 đến giữa những năm 1980, cuộc chiến tranh biên giới mức độ nào đó đã gây tổn hại quan hệ Việt - Trung và tình cảm giữa nhân dân hai nước.

Nhưng quãng thời gian đó không phải là dòng chính trong mối quan hệ hữu nghị lâu dài Trung - Việt. Huống hồ, thời kỳ đó hai nước bị ảnh hưởng rất lớn bởi cuộc “Chiến tranh Lạnh” Mỹ - Xô… Khi đó, vì lợi ích của mình, Trung Quốc thậm chí đã không ngần ngại hợp tác cả với tập đoàn diệt chủng Pol Pot để cùng đánh Việt Nam.

Thu Thủy
Lược dịch

Theo Báo giấy