Giáo viên tiết lộ bí kíp đạt điểm cao môn Sử vào lớp 10

TPO - Hà Nội đã công bố môn thi thứ 4 là Lịch sử trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay. Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến ngày thi, thí sinh cần nắm kiến thức trọng tâm để đạt điểm cao ở môn mà thí sinh coi là "khó nhằn" này.
Ảnh minh họa

Năm nay, thí sinh thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút, 40 câu hỏi. Phạm vi kiến thức phân bổ toàn bộ chương trình lớp 9, bao gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam.

40 câu hỏi trong đề sẽ đề cập đến tất cả chuyên đề, bài học mà học sinh được học ở lớp 9, gồm lịch sử thế giới (giai đoạn 1945-2000) và lịch sử Việt Nam (1919-2000). Trong đó, tỷ lệ câu hỏi về lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70%.

Ôn những vấn đề nào?

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM cho rằng, đầu tiên, học sinh đừng quên xem lại nội dung của chương trình giảm tải của Bộ giáo dục ban hành.

Học sinh cần tập trung ôn tập vào các vấn đề cơ bản, nổi bật của chương trình học theo các chủ đề hay giai đoạn phân kỳ để nắm được các đặc điểm và tiến trình của lịch sử. Qua đó thấy được mối liên hệ của lịch sử thế giới, tác động và ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam.

Cô Thảo cũng lưu ý, vì thi theo hình thức trắc nghiệm nên các bạn chịu khó đọc kỹ sách giáo khoa. Đọc và xử lý sách giáo khoa bằng việc gạch chân các sự kiện lịch sử, ý nghĩa và tác động của sự kiện lịch sử..

Ví dụ : Phần lịch sử thế giới, các học sinh nên ôn tập theo chủ đề để hệ thống kiến thức dễ hơn. Có thể phân chía theo nội dung chủ đề, giai đoạn, đặc điểm của các vấn đề lịch sử như Phong trào giải phóng dân tộc (Châu Á, Phi, Mỹ La- tinh) để thấy được những điểm giống và khác nhau. Các bạn có thể trả lời các câu hỏi ở các mức độ: biết, hiểu, vận dụng;…

Sự phát triển của các quốc gia sau chiến tranh thế giới II như : Liên Xô, Trung Quốc, các nước ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản, các nước tư bản Tây Âu từ 1 để thấy được sự phát triển của các quốc gia sau chiến tranh thế giới với những con đường khác nhau và trả lời cho các câu hỏi về sự phát triển chung và riêng và từ đó thấy được sự khác biệt giữa các quốc gia.

Trật tự thế giới và quan hệ quốc tế từ sau 1945- 1991 và thế giới sau chiến tranh lạnh. Để thấy được sự thay đổi của quan hệ quốc tế và xu thế của chính sách đối ngoại hiện nay của các nước là gì?

Ở phần Lịch sử Việt Nam, cô Thảo cho rằng, các học sinh nên hệ thống theo giai đoạn (1919- 1930), (1930- 1945), (1945- 1954), (1954- 1975) với các vấn đề.

Cụ thể, cô Huyền chỉ ra, học sinh tập trung các sự kiện lịch sử tiêu biểu: Ý nghĩa và tác động của các sự kiện lịch sử đối với Việt Nam; Lập bảng thống kê các phong trào cách mạng, chiến lược chiến tranh, chiến dịch…vv

Ngoài ra, cũng theo cô Thảo, học sinh nên sử dụng lược đồ trong sách để nắm được tiến trình các các chiến dịch, phong trào và hiểu được những trận then chốt trong các chiến dịch và tổng tiến công ….

“Đừng quên lập sơ đồ tư duy để hệ thống các kiến thức đã học”- Cô Thảo nhấn mạnh.