Giáo viên, học viên của SITC được hỗ trợ

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH -ĐT Phan Hữu Thắng cho biết, phía chủ đầu tư SITC hiện đang muốn lập một quỹ để hỗ trợ những thiệt hại của giáo viên, học viên của SITC.
Trụ sở cơ sở Anh ngữ quốc tế SITC, tại 24 Đại Cồ Việt, Hà Nội

Luật sư đại diện cho chủ đầu tư của SITC vừa kết thúc chuyến làm việc tại Việt Nam, trở về Singapore mà không để lại hy vọng đáng kể nào cho sự tồn tại của SITC ở Việt Nam cũng như việc bảo đảm quyền lợi cho người bị hại.

Thậm chí, vị luật sư này cho biết, thân chủ họ (cổ đông của đơn vị chủ đầu tư của SITC) không muốn rót thêm tiền để khôi phục hệ thống SITC tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các giáo viên, học viên bị thiệt hại trong vụ đóng cửa SITC sẽ không bị mất trắng. Tối 13/3, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH -ĐT Phan Hữu Thắng cho biết như vậy.

Ông tiết lộ, phía chủ đầu tư hiện đang muốn lập một quỹ để hỗ trợ những thiệt hại của giáo viên, học viên của SITC.

Đồng thời, chủ đầu tư hứa sẽ ký hợp đồng với cơ sở giáo dục Kenta 100% vốn Đài Loan để các học viên đang theo học SITC ở Hà Nội và TPHCM được tiếp tục theo học, nhằm giảm thiểu thiệt hại của họ.

Qua vị luật sư nói trên, Bộ KH - ĐT đã chuyển thông điệp đến chủ đầu tư SITC rằng, phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện để chủ đầu tư sang Việt Nam cùng giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, chủ đầu tư phải có ý kiến chính thức bảo đảm về sự tồn tại của SITC ở Việt Nam. Ngược lại, ngày 15/3, Bộ KH - ĐT sẽ ra quyết định rút giấy phép, chấm dứt hoạt động và sau đó sẽ thanh lý các cơ sở SITC ở Việt Nam.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH - ĐT đã ra quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành gồm đại diện các Bộ Công an, Bộ GD - ĐT, Bộ KH - ĐT, Bộ LĐ - TB&XH để giải quyết hậu quả của vụ SITC.

Đoàn có hai nhiệm vụ chủ trì kiểm tra, đánh giá và giải quyết hậu quả vụ SITC; chủ trì tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Qua đó, sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý đối với loại hình giáo dục này. “Chậm nhất đến 9/5, đoàn liên ngành phải giải quyết xong vụ SITC và công việc thanh tra, kiểm tra nói trên”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, kết quả điều tra ban đầu vụ SITC ở Hà Nội cho thấy, có khoảng 10.000 người tại Hà Nội đã bị mắc lừa và khoảng 40 cán bộ giảng dạy thuộc các cơ sở này bị SITC quỵt lương.

Mỗi học viên thường phải nộp cho SITC 150 USD khi nhập học nhưng không được theo học vì các cơ sở SITC đã đóng cửa.

SITC còn phát hành thẻ học với giá “khuyến mại” là 125USD nhằm câu thêm học sinh đến với trung tâm.

Số tiền này được chia theo tỉ lệ: nhân viên marketing 10%; nhân viên giám sát 1%; nhóm trưởng 2,5% và 1 USD/học viên cho các nhân viên khối văn phòng.

Số còn lại là khoản thu của SITC để tổ chức các lớp học. Dĩ nhiên, những người theo học và người hưởng hoa hồng nói trên cũng bị quỵt tiền.

Theo Nam Quốc
Sài Gòn Giải phóng