Giao thông vùng Đông Nam Bộ tắc nghẽn cả 3 tuyến

TPO - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nói như vậy tại hội thảo "thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ". 
Tình trạng tắc nghẻn giao thông trên quốc lộ 51

Hội thảo do Báo Tuổi trẻ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phối hợp tổ chức vào ngày 22/11 tại TP Vũng Tàu. 

Gần 200 đại biểu tham gia Hội thảo là lãnh đạo 7 tỉnh khu vực Đông Nam bộ, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giao thông, các doanh nghiệp lớn đang hoạt động trong khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp cảng và khu công nghiệp dọc quốc lộ 51.

Đông Nam Bộ là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động, giữ vai trò quyết định đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, với mức đóng góp trên 45% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 60% ngân sách của cả nước.

Giao thông tắc nghẽn vào giờ cao điểm

Đây cũng là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại với lợi thế phát triển cảng nước sâu, logistic. Thế nhưng tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút thắt hướng về trung tâm chính là TPHCM với mật độ thường xuyên, liên tục, hàng ngày trong những năm qua khiến những lợi thế của toàn bộ khu vực Đông Nam bộ bị phá hủy.

Các doanh nghiệp cảng biển, logistics, khu công nghiệp có mặt tại buổi hội thảo nêu lên những bức xúc, những bất lực và hạn chế khi không thể phát triển và tăng tốc chỉ vì nghẽn mạch về giao thông.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Giao thông của vùng Đông Nam Bộ đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng ở cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Thực trạng này đã kéo dài hàng chục năm nay từ những khiếm khuyết trong cơ chế chính sách, cũng như không được đầu tư đúng mức. Ngoài ra, theo ông Thiên một nguyên nhân lớn nhất là sự đầu tư manh mún, mang tính địa phương, mang lợi ích vùng cục bộ. Chẳng hạn, bàn về lối thoát cho giao thông của Cảng Cái Mép không chỉ là bàn cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bàn cho Long Thành không phải là bàn cho riêng Đồng Nai. Phải có định hướng chung cho cả khu vực, tầm cao hơn là quốc tế. Giải quyết nút thắt này phải là Bộ Giao thông Vận tải chủ trì.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã tiếp nhận từ Ban tổ chức cuốn tài liệu tổng hợp tất cả các ý kiến, đóng góp đa chiều để giải quyết vấn nạn giao thông trong khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến trong hội thảo cho rằng, chỉ cần thực hiện tốt các quy hoạch có sẵn hiện nay là giải quyết cơ bản được tình trạng nghẽn giao thông ở khu vực này.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận những ý kiến đóng góp và thống nhất quan điểm xây dựng tiêu chí đánh giá để tăng đầu tư đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ.

"Các dự án đầu tư trước hết phải theo quy hoạch quốc gia và quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng rất mong các tỉnh cùng xây dựng được quy hoạch vùng để Bộ có cơ sở đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, cũng như phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân bổ vốn đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội trong nhiệm kỳ tới"- Ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Theo Quyết định 943/QĐ-TTg ngày 20.7.2012 của Thủ tướng Chính phủ, danh mục các chương trình dự án đầu tư về giao thông Vùng Đông Nam Bộ bao gồm:

- Đường bộ: Đường vành đai 3, Đường vành đai 4 – Thành phố Hồ Chí Minh; các trục đường cao tốc: Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Đầu Giây, Biên Hòa-Vũng Tàu, Bến Lức-NhơnTrạch-Long Thành, Dầu Giây-Phan Thiết; các quốc lộ 1A, 1K, 13, 14, 14C, 20, 22, 22B, 50, 51, 55, 56.

- Đường sắt: Đường sắt đô thị, đường sắt đầu mối, đường sắt liên vùng Vùng thành phố Hồ Chí Minh

- Đường thủy nội địa: Cải tạo, nâng cấp các tuyến Sài Gòn-Kiên Lương, Sài Gòn-Cà Mau, Sài Gòn-Mộc Hóa, Sài Gòn-Bến Kéo, Sài Gòn-Dầu Tiếng, Sài Gòn-Hiếu Liêm, Sài Gòn-Hà Tiên, tuyến nối sông Thị Vải đi Đồng bằng Sông Cửu Long

- Cảng biển: Khu cảng Vũng Tàu, khu cảng Thành phố Hồ Chí Minh, khu cảng Đồng Nai, các bến khách tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu

- Cảng hàng không: Nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên đến nay, tất cả các chương trình, dự án trên đều chậm tiến độ dài hạn hoặc chưa triển khai.