Tối 28/12, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt, giao lưu giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong kì thi Olympic quốc tế và Khoa học kĩ thuật quốc tế năm 2024.
Đặng Tuấn Anh, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, Huy chương Vàng Olympic Sinh học Quốc tế năm 2024, chia sẻ, đề thi năm nay thực sự thách thức với sự kết hợp hài hòa giữa lí thuyết và thực hành, đòi hỏi kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Một số câu hỏi yêu cầu phân tích dữ liệu phức tạp hoặc giải quyết các vấn đề thực tế.
Đối với những câu hỏi khó, Tuấn Anh thường dành thời gian đọc kĩ đề bài để hiểu rõ vấn đề, sau đó phân tích dữ kiện và vận dụng các phương pháp tư duy phản biện. Khi gặp tình huống không chắc chắn thì cố gắng bình tĩnh, suy luận dựa trên nền tảng kiến thức và chọn hướng giải quyết phù hợp nhất.
Đặng Tuấn Anh cho biết, kì thi không chỉ là cơ hội kiểm tra năng lực mà còn là dịp để mở mang tầm mắt khi tiếp xúc với các bạn thí sinh xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới. Điều em học hỏi được nhiều nhất là cách các bạn tiếp cận vấn đề một cách sáng tạo và tư duy khoa học rất chặt chẽ. Các bạn không chỉ xuất sắc trong chuyên môn mà còn thể hiện sự tự tin, bản lĩnh và tinh thần học hỏi lẫn nhau, điều này đã truyền cảm hứng rất lớn cho em.
“Thành tích này không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực, kiên trì và tình yêu dành cho Sinh học của em. Với gia đình, đây là niềm vui và cũng là món quà tinh thần mà em muốn gửi đến bố mẹ, những người luôn ủng hộ và đồng hành cùng em trong mọi chặng đường. Với em, kết quả này là động lực to lớn để tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, đóng góp nhiều hơn cho xã hội và khám phá những điều mới mẻ trong thế giới tự nhiên…”, Đặng Tuấn Anh nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn Olympic Hóa học quốc tế năm 2024 cho hay, để có được thành tích, đoàn Hóa học Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn. Về góc độ chuyên môn khó khăn nhất luôn là vấn đề thích nghi nhanh với điều kiện phòng thí nghiệm mới.
Do đó, trong những năm gần đây Đội tuyển Hóa học có sự điều chỉnh kế hoạch tập huấn phần thực hành khi được bố trí ở 4 đơn vị: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường Đại học Việt Pháp) để các em có thể làm quen và thích nghi.
Bên cạnh đó là một số khó khăn về sinh hoạt như sự chênh lệch múi giờ. Theo thời gian biểu của Ban tổ chức, tất cả các cuộc họp hội đồng bàn về chuyên môn luôn nằm trong khoảng 8 - 12 giờ tối ở địa phương. Như ở Thụy Sĩ và Ả Rập Xê Út, tương đương khoảng 0h - 5 giờ sáng của Việt Nam nên thực sự rất mệt.
Vấn đề thời tiết và ẩm thực cũng có ảnh hưởng, như kì thi ở Ả Rập Xê Út khi nhiệt độ trung bình luôn khoảng 46 độ, việc thích nghi, di chuyển và đặc biệt là giữ sức khỏe cho các em là ưu tiên hàng đầu. Đoàn Việt Nam ra nước ngoài luôn mang theo mì tôm, phở... để có thể thay đổi khi nhớ cơm nhà.
Tại buổi giao lưu bà Hà gửi thông điệp đến học sinh hãy luôn cố gắng hết sức mình theo đuổi đam mê để không bao giờ phải hối tiếc. Những tấm huy chương chỉ là đích đến, còn niềm vui chính là ở trên chặng đường cố gắng đạt tới đích đó.... Do vậy, bản thân mỗi thầy cô tham gia tập huấn đều phải học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, để truyền tải được những kiến thức tốt nhất tới các em trong giờ học, cũng như luôn sẵn sàng giải đáp và trao đổi mọi thắc mắc với các em ngoài giờ học.
GS. Đỗ Đức Thái, Thư kí Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Toán học; Trưởng Khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá, những thành tích của các em học sinh trong đội tuyển đã giúp đất nước Việt Nam rạng danh trên đấu trường quốc tế với vẻ đẹp tri thức.
Thành tích đó thể hiện các em có năng khiếu trong lĩnh vực mà mình dự thi và đã đạt được kết quả to lớn sau quá trình lao động chất xám vất vả.
Song, GS Thái cũng đưa ra lời khuyên, đạt được những thành tích vẻ vang nhưng các em cũng đừng ngủ quên trên chiến thắng. Hãy tiếp tục học hỏi, trau dồi kiến thức để vươn tới những vinh quang, thành công vang dội hơn nữa trên bước đường đời mai sau.
Theo ông, làm khoa học và trở thành nhà khoa học khác nhau. Bản chất thi học sinh giỏi là làm những bài toán mà đã có lời giải và tổng hợp những kĩ thuật kinh điển trong khoa học. Tuy nhiên, sáng tạo khoa học phải làm những cái mà chưa ai làm đến, phải làm bằng những kĩ thuật phi tiêu chuẩn. Vì nếu không sẽ không ra được công trình để lại dấu ấn thật sự.
Trong dịp này, bên cạnh vinh danh và khen thưởng những học sinh đạt giải tại các kì thi Olympic quốc tế và Khoa học kĩ thuật, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cũng bày tỏ hi vọng, những thành công của các em học sinh sẽ là nguồn động lực lớn lao để các em tiếp tục nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học, và góp phần đưa nền khoa học công nghệ nước nhà phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
"Tôi tin những tấm huy chương này sẽ là bệ phóng để các em tiếp tục học tập thật tốt, vươn tới chinh phục những đỉnh cao trí tuệ - khoa học, trở thành hiền tài có nhiều đóng góp, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh", Thứ trưởng bày tỏ.
Sáng 28/12, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, tuyên dương đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kĩ thuật quốc tế năm 2024. Trong năm 2024, Việt Nam đã có 8 đoàn dự thi Olympic quốc tế và khu vực, với tổng cộng 38 học sinh tham gia. Kết quả đạt được vượt xa so với các năm trước, với thành tích đạt được là 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen, so với năm 2023, số lượng Huy chương Vàng tăng 4, Huy chương Bạc tăng 3.
Tại buổi gặp mặt, 20 học sinh được trao tặng Huân chương Lao động là những em đoạt huy chương vàng, huy chương bạc tại các kì thi Olympic quốc tế.