Giáo dục chủ quyền lãnh thổ còn yếu

TP - Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông được tổ chức trong hai ngày 18 và 19-8 tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia cho rằng, nội dung giáo dục môn lịch sử ở trường phổ thông chưa cập nhật các thành tựu nghiên cứu về lịch sử, đặc biệt là những vấn đề liên quan chủ quyền lãnh thổ.

> Tăng cường bài giảng về Hoàng Sa, Trường Sa

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, mới đây, sách giáo khoa (SGK) lớp 6 có 1 tiết cho nước Champa từ thế kỷ II đến thế kỷ V; SGK lớp 10 có một bài cho các quốc gia cổ đại trên đất nước VN, đó là một bổ sung cần ghi nhận, nhưng một quan niệm toàn bộ về lịch sử VN vẫn chưa rõ.

Lịch sử VN cần được nhận thức là toàn bộ quá trình lịch sử của tất cả các cộng đồng cư dân, cộng đồng dân tộc diễn ra trên lãnh thổ VN hiện nay. Nhà Mạc - vương triều tồn tại trong thế kỷ XVI - không có chỗ trong SGK.

Lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn cùng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng không được đề cập trong SGK.

Hội thảo do Bộ GD&ĐT phối hợp Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức, thu hút 430 đại biểu gồm những người nghiên cứu, biên soạn chương trình - SGK, dạy học, quản lý hoạt động dạy học môn sử trên khắp cả nước.

Theo Báo giấy