Vụ gian lận thi 2018 (hay còn gọi là Vụ gian lận thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018) là vụ sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Vụ gian lận này được cho là nghiêm trọng nhất từ xưa đến nay, sau nhiều năm Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các kỳ thi tuyển sinh và THPT Quốc gia.
Hàng chục cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam. Có 347 bài thi bị can thiệp điểm được phát hiện ở Hà Giang, Sơn La và nhiều bài thi ở Hòa Bình bị nâng điểm.
Chỉ mất 6 giây để hoàn thành việc sửa điểm thi THPT quốc gia cho mỗi bài thi.
Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm thật.
Nhiều bài thi trắc nghiệm ở Sơn La và Hòa Bình có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng không khôi phục được bài gốc.
Xã hội cảm thấy đau xót khi vụ việc gian lận, làm thay đổi điểm số bài thi của thí sinh đều liên quan đến những người làm trong ngành Giáo dục.
Báo cáo kết quả khảo sát về kì thi THPT quốc gia năm 2018, của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ rõ, nguyên nhân của việc gian lận này. Theo Ủy ban, Bộ GD&ĐT phải thẳng thắn thừa nhận để rút kinh nghiệm cho các kì thi tới.
Cụ thể, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra, công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thi, của Bộ GD&ĐT còn một số hạn chế.
Thứ nhất, việc thực hiện một kỳ thi chung với 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ là một việc rất khó đối với khâu biên soạn đề thi. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi đòi hỏi thời gian chuẩn bị công phu với các quy trình và nội dung chặt chẽ, căn cơ, nhưng việc thực hiện đã nóng vội.
Thứ hai, thiếu ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hoá; đề thi chưa được thử nghiệm một cách khoa học và rộng rãi, chưa tính đến độ trễ trong thử nghiệm nên ảnh hưởng tới tính bảo mật cùng chất lượng đề thi.
Thứ ba, việc xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia biên soạn câu hỏi thi chuyên nghiệp (cả về chuyên môn và khoa học khảo thí). Kết quả thi đặt yêu cầu xây dựng đội ngũ chuyên gia biên soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan, xây dựng đề, cân đề.
Thứ tư, các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ cho kì thi ở nhiều địa phương còn hạn chế; đặc biệt phần mềm để sử dụng cho việc chấm thi có lỗi đã gây hậu quả nghiêm trọng (cần được Bộ GD&ĐT xem xét thấu đáo vấn đề này).
Thứ năm, sự phối hợp trong tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi thiếu chặt chẽ ở một số địa phương; Quy chế thi một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc; việc xử lý sai phạm chưa đủ sức răn đe trước những tiêu cực gần đây. Mặt khác, cơ chế tổ chức thi và chấm thi chưa phù hợp.
Đây chính là kẽ hở để phát sinh tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng tại các địa phương, ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các trường đại học.
Sáng 31/5/2019, sau nhiều ý kiến gay gắt về gian lận thi cử và những yếu kém của ngành giáo dục của đại biểu trong hơn một ngày thảo luận về kinh tế - xã hội ở Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trong ba việc:
Tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi.
Quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát.
Kỳ thi năm 2019, Bộ GD-ĐT có nhiều giải pháp điều chỉnh từ khâu phát đề, coi thi đến chấm thi... Trong đó, quy trình chấm thi đã thay đổi toàn diện.