Giảm xô lệch trước “giá trị ảo” cho người trẻ

TP - “Hội chứng gây sốc, những xô lệch của cách ứng xử, thái độ sống, hành vi của người trẻ trước trào lưu thế giới mạng không chỉ làm thay đổi nhận thức về đời sống tinh thần, mà còn có thể gây hại cho xã hội ở mức cao hơn như sự quá đà sẽ dẫn đến các hành vi phạm pháp”, Luật sư Lê Cao (Cty Luật hợp danh FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

> Ngọc Quyên: Thích được tặng nhà, xe hơn túi xách?
> Ngọc Quyên diễn áo dài ủng hộ Philippines bị lũ lụt

Vòng xoáy ảo

Theo anh, đâu là những điểm tích cực đáng ghi nhận của giới trẻ hiện nay?

Tôi thấy rằng thế hệ trẻ đang ngày càng ý thức được họ là một phần quan trọng trong xã hội. Nhiều người trẻ tài năng đang lao động, kiến tạo các giá trị vật chất, tinh thần cho xã hội trở nên tốt hơn. Người trẻ cũng cho thấy họ đang dần chủ động hơn, bước ra khỏi sự “bao cấp” của người lớn để đi tìm niềm tin, giá trị riêng của mình.

Tuy nhiên, một số người trẻ đang bị cuốn vào vòng xoáy của mạng xã hội dễ dẫn đến những lệch lạc văn hóa ứng xử?

Nhiều người trẻ đã tiếp cận, tận dụng tiện ích của mạng xã hội để học tập, kiếm tiền, kêu gọi lòng nhân ái để làm từ thiện … Nhưng cũng có những trường hợp có biểu hiện tiêu cực, ứng xử thiếu văn hóa như hội chứng ném đá, chửi tục, phát ngôn gây sốc, tung ảnh nóng... Nếu không tò mò, không hào hứng để đọc, xem, nghe, “nhấn like”, bình luận thì những câu chuyện, hành động ấy không có đất sống, các giá trị ảo không tồn tại.

Facebook chỉ có nút “thích”, nếu Facebook có cải tiến thì sau này có lẽ cũng sẽ có đủ bộ ba nút: “thích nhiều”, “thích” và “thích ít” chẳng hạn. Những người tạo ra nó đánh vào tâm lý thích được khen, thích được đề cao, tung hô.

Luật sư Lê Cao.

Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thì trong số 4.000 phạm nhân đang thụ án ở 4 trại giam khác nhau có đến 14% đối tượng có độ tuổi từ 14 đến dưới 18, 41% có độ tuổi từ 18 đến dưới 31 tuổi ... Anh nhận định gì về tình trạng gia tăng tội phạm trẻ hiện nay?

 Nhiều người trẻ đã tiếp cận, tận dụng tiện ích của mạng xã hội để học tập, kiếm tiền, kêu gọi lòng nhân ái để làm từ thiện … Nhưng cũng có những trường hợp có biểu hiện tiêu cực, ứng xử thiếu văn hóa như hội chứng ném đá, chửi tục, phát ngôn gây sốc, tung ảnh nóng... 

Luật sư Lê Cao

Những biểu hiện tâm lý, hay hành vi tiêu cực trên thế giới mạng có mối liên hệ với sự bùng phát các hành vi phạm pháp của người trẻ ngoài đời thực. Nhiều bạn trẻ được nuông chiều nhưng lại lớn lên trong môi trường sống bị xáo trộn bởi những tiêu cực, tệ nạn dẫn tới những xáo trộn tâm lý dễ phát triển thành thái độ sống bất mãn, sống thiếu tích cực. Một số bạn trẻ khác thì thiếu thốn tình thương, sự quan tâm chăm sóc nên dễ rơi vào hoàn cảnh bơ vơ cả về điều kiện sống lẫn tâm hồn, rất dễ dẫn đến các hành vi tiêu cực. Các hành vi phạm pháp của người trẻ phần lớn xuất phát từ đời sống tinh thần của họ bị xô lệch.

Xã hội đang đứng trước những xáo trộn, những va đập và nhiều biến chuyển. Hằng ngày, vẫn diễn ra những cuộc tranh luận, bàn cãi (thể hiện rõ trên thế giới mạng) về nhiều vấn đề lớn hay nhỏ nảy sinh trong đời sống với đủ kiểu đề tài như giáo dục, giải trí, chuẩn mực đạo đức, thậm chí về đời sống chính trị, về các quyền của con người, quyền của người trẻ trong xã hội. Chúng ta phải nhìn thẳng những điều đó, để tìm giải pháp hạn chế những xô lệch giá trị cho người trẻ.

Nhu cầu tinh thần thực

Có khi người trẻ hướng đến những thứ bề ngoài, hời hợt, như việc thần tượng quá mức một người chỉ vì vẻ bề ngoài của họ, say mê một cách quá đà đối với một ca sĩ có ngoại hình đẹp?

Cần phải xem sự quan tâm của người trẻ đối với những biểu hiện bên ngoài đó có phải là nhu cầu thực sự hay không. Tôi thấy nhiều khi những “trò lố” thực ra là kịch bản của những người tổ chức để kiếm tiền trên sự tò mò của một số người trẻ. Họ hưởng ứng một cách tức thời chứ chưa chắc đã là một nhu cầu tinh thần thường xuyên đối với những thứ thiên về hình thức. Điều này không chỉ người trẻ gặp phải.

Vậy nhu cầu tinh thần thực sự của người trẻ theo anh là những điều gì?

Tôi vẫn thấy nhiều người trẻ truyền nhau thơ của Lưu Quang Vũ, hay họ vẫn kéo nhau đi xem kịch của ông, vẫn say mê ca từ hay của Trịnh Công Sơn, vẫn đọc những cuốn sách của Vũ Trọng Phụng hay Nguyễn Nhật Ánh, vẫn hào hứng tự hào với trận bóng đẹp của U19 Việt Nam … Nhu cầu tinh thần của họ cũng là cái đẹp, cái thật, cái thiện, cũng là những sản phẩm làm hứng khởi tâm hồn con người.

Đâu là giải pháp để đáp ứng nhu cầu tinh thần chính đáng này, theo anh?

Nếu chúng ta tạo dựng được một môi trường sống mà ở đó người trẻ được khám phá, sáng tạo về chính đời sống tinh thần của mình, trên cơ sở sẵn sàng mở ra các “sân chơi” tâm hồn, thì người trẻ sẽ đằm lại.

Hơn nữa, cần có những chương trình đào tạo kỹ năng sống cho người trẻ, truyền cho họ các kỹ năng ứng biến một cách tích cực với các va chạm thực sự xảy ra ở cuộc sống. Do vậy, để có đời sống tinh thần phong phú và đẹp, cần có sự cải thiện mạnh mẽ môi trường sống xã hội, ở đó những cái thật, cái đẹp, cái thiện phải được nuôi dưỡng và phát triển, những thói đạo đức giả, tiêu cực, lừa mị phải được loại bỏ.

Cảm ơn anh.

Một số bạn trẻ khác thì thiếu thốn tình thương, sự quan tâm chăm sóc nên dễ rơi vào hoàn cảnh bơ vơ cả về điều kiện sống lẫn tâm hồn, rất dễ dẫn đến các hành vi tiêu cực. Các hành vi phạm pháp của người trẻ phần lớn xuất phát từ đời sống tinh thần của họ bị xô lệch.
 

Nguyễn Huy
Thực hiện

Theo Báo giấy