Giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp

TP - Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá cho rằng, kinh tế VN đang có dấu hiệu rơi vào suy giảm sâu. Giải pháp cần thiết hiện nay là giảm ngay chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
DN đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong thời gian dài khiến nền kinh tế suy giảm sâu Ảnh: Đại Dương

Trên đà suy giảm sâu

Ông Trần Xuân Gía nói: Quý I năm 2012, GDP tăng trưởng 4% so cùng kỳ, đây là một trong hai năm có mức tăng GDP quý I thấp nhất trong hơn 10 năm qua, nhưng quan trọng hơn là đang có những dấu hiệu kinh tế nước ta tiếp tục đà suy giảm sâu hơn trong thời gian tới.

Từ những tính toán cụ thể và kinh nghiệm nhiều năm, dự báo nếu tình hình tiếp tục diễn ra như những tháng qua thì GDP trong năm 2012 có thể chỉ tăng trưởng khoảng dưới 4,5%.

Theo ông, kinh tế suy giảm sâu sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?

Theo cá nhân tôi, có 4 hệ lụy dễ nhìn thấy nhất. Thứ nhất, gây ra mất cân đối kinh tế vĩ mô và do đó những mong muốn của chúng ta về kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô sẽ không thể thực hiện và đảm bảo an sinh xã hội càng không được thực hiện.

Chính vì vậy việc chống suy giảm kinh tế sâu hiện nay trở thành thông điệp chủ yếu chứ không phải là kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô một cách chung chung nữa.

Hệ lụy thứ hai, đó là công ăn việc làm, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn do đó dễ xảy ra những vấn đề bất ổn xã hội. T

hứ ba, khả năng cạnh tranh của từng DN, của từng ngành sản xuất vốn chưa cao giờ sẽ bị uy hiếp.

Thứ tư, không chỉ ảnh hưởng trong năm 2012-2013 mà ảnh hưởng trực tiếp cho nhiệm vụ phát triển kinh tế 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế 10 năm.

Xuất khẩu đang có chiều hướng suy giảm mạnh, liệu có thể đạt được mục tiêu đề ra?

Tình hình xuất khẩu năm 2012 của chúng ta về con số có thể chưa đáng lo ngại lắm, vẫn có thể thực hiện được mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng điều hết sức quan trọng hiện nay không phải là tổng số hàng xuất khẩu của chúng ta được bao nhiêu, tăng trưởng như thế nào mà hiện nay chúng ta cũng phải lo cho năm 2013.

Xuất khẩu của các DN trong nước 4 tháng đầu năm tăng quá thấp, chỉ có 4,4%, trong khi đó các DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu tăng đến 36% (do đủ khách hàng ổn định).

Chính vì vậy, nỗi lo bây giờ là hỗ trợ các DN trong nước chứ không phải lo xuất khẩu nói chung, và đấy là trách nhiệm của Chính phủ.

Nhập siêu cũng đang giảm mạnh, điều đó phản ánh thế nào về bức tranh xuất khẩu trong thời gian tới, thưa ông?

Nước ta phải phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu, nhưng không phải chỉ phấn đấu trong một hai năm mà được. Trong 4 tháng đầu năm 2012, con số nhập siêu hết sức thấp, chỉ 176 triệu USD, bằng 0,53% cùng kỳ năm trước.

Nhìn con số này buồn nhiều hơn vui, bởi lẽ nó biểu hiện sự đình trệ, khó khăn của nền kinh tế chúng ta.

Cơ cấu nền kinh tế của chúng ta còn là nền kinh tế gia công, thế mà không nhập khẩu những máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu- những yếu tố quan trọng cho đầu vào của quá trình sản xuất thì lấy đâu ra cho tăng trưởng kinh tế, lấy đâu ra cho xuất khẩu những quý tiếp theo.

Cần kíp giảm chi phí đầu vào cho DN

DN đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong thời gian dài khiến nền kinh tế suy giảm sâu.  Ảnh: Đại Dương.
 

Làm thế nào để hạn chế đà suy giảm và thúc đẩy kinh tế phát triển, thưa ông?

Theo tôi, để cứu, hay là để chặn đứng suy giảm kinh tế sâu thì phải làm rất nhiều việc. Từng DN tự mình phải cơ cấu lại, còn Chính phủ phải ra tay kịp thời, cương quyết và đồng bộ làm sao để cho chi phí sản xuất của DN giảm xuống, làm sao để DN sản xuất hàng hóa ra có thể bán được, xuất khẩu được.

Để giúp DN giảm được chi phí thì không chỉ có biện pháp về tài khóa như chúng ta đã công bố, mà điều hết sức quan trọng và đầu tiên là phải giảm tất cả các loại phí cho người dân và DN.

Phí hiện nay của chúng ta vừa nhiều, vừa chồng chéo, vừa cao. Cần phải có thống kê toàn bộ phí mà từng người dân, từng DN phải nộp hiện nay gồm những loại gì và nhân dịp này phải cải cách các loại phí, cắt bớt các loại phí lỗi thời, giảm các loại phí đương cao, các loại phí đã có sự chuẩn bị thì cần hoãn thi hành một thời gian.

Lãi suất ngân hàng, cao - thấp tuy rất quan trọng nhưng không phải vấn đề chính cản trở DN đến với ngân hàng. Nợ xấu của các DN hiện nay mới là rào cản hết sức lớn làm cho DN không tiếp cận được với các ngân hàng.

Nhiều ngân hàng hiện nay thừa vốn mà không cho vay được bởi vì ngân hàng là một DN, họ cũng phải lo tự cứu mình và họ không muốn làm tăng nợ xấu của chính mình.

Những việc phải làm và làm càng sớm càng tốt là giúp DN cơ cấu lại nợ và làm cho DN có đủ điều kiện để tiếp cận với ngân hàng là việc số một chứ không phải hạ lãi suất là việc số một.

Ngân hàng thì muốn tìm DN tốt, dự án tốt nhưng DN thì không thể tốt hơn lên được, vậy phải làm sao thưa ông?

Chính vì vậy tôi muốn nói cần có sự ra tay của Chính phủ, đứng ra bảo lãnh làm sạch nợ xấu của DN. Trước mắt phải cho DN “tắm rửa sạch sẽ”, khi đó họ đủ điều kiện để bước qua cửa và vào bên trong ngân hàng rồi thì lúc đó mới bàn đến chuyện lãi suất cao hay thấp.

Theo ông, Nhà nước có đủ khả năng để hỗ trợ DN làm sạch nợ?

Phải huy động toàn bộ công sức để làm. Mèo nhỏ thì bắt chuột nhỏ, nếu biết dùng con mèo nhỏ đó vào đúng chỗ thì nó sẽ có hiệu quả.

Bảy dấu hiệu khác biệt đáng lo ngại

Ông Trần Xuân Giá cho rằng có 7 dấu hiệu khác biệt nói lên tình trạng kinh tế VN trên đà suy giảm sâu:

(1) Vốn đầu tư toàn xã hội cả năm 2011 và quý I/2012 về danh nghĩa có tăng nhưng loại trừ yếu tố trượt giá thì thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

(2) Tín dụng, kênh dẫn vốn đầu tư chủ yếu vào nền kinh tế tính đến hết tháng 4 không tăng so với năm 2011.

(3) Sức mua của thị trường giảm, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, hàng tồn kho tăng nhanh.
(4) Số DN giải thế, phá sản, ngừng hoạt động và tạm dừng làm nghĩa vụ thuế tăng mạnh so với cùng kỳ.

(5) Nhập siêu giảm đột ngột, bất bình thường trong 4 tháng đầu năm.

(6) Siết chặt tín dụng và tài khóa.

(7) Cạnh tranh thu hút vốn giảm.

Đại Dương

Theo Báo giấy