Theo Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm nay của các bộ, ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng năm nay gấp hơn 2 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm (16,6% kế hoạch vốn). Tuy nhiên, số này vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong nước 11 tháng năm 2023 (đạt khoảng 53,1% kế hoạch).
Có 2 trong 10 bộ, ngành giải ngân đạt hơn 50% kế hoạch vốn là: Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đạt 87,7% vốn kế hoạch; Bộ Giao thông vận tải đạt 58,3% vốn kế hoạch. Có 4 trong số 10 bộ đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, đó là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (39,4%), Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (29,7%), Đại học Quốc gia Hà Nội (6,7%), Đại học Quốc gia TPHCM (6,8%).
Như vậy, có đến 4/10 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm nay (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động và Thương Binh và xã hội, Bộ Y tế). Riêng Bộ Y tế do được cấp vốn vào tháng 11 nên cơ bản chưa thể giải ngân.
Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - nhận định mức giải ngân đạt được cho đến nay là khá chậm và rất khó có thể đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn kế hoạch, nhất là khi từ nay đến cuối năm chỉ còn chưa đầy 2 tháng.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công vốn ODA chậm là công tác giải ngân chưa được chú ý, chậm đấu thầu, ký kết, hồ sơ phải bị thẩm định lại nhiều lần. Có đến hơn 10 dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Một số dự án tại các trường, đại học giải ngân rất chậm.
Dự án "Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam" tiến độ đều chậm, có đại học làm thủ tục xin trả lại vốn vì không giải ngân được. Cho đến nay, Dự án “phát triển các đại học Quốc gia” tại Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội; Dự án nâng cao năng lực Đại học Huế đều rất chậm, liên tục xin điều chỉnh vốn và điều chỉnh dự án.
Theo đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo, với dự án tại Đại học Đà Nẵng, chủ dự án đã xin trả lại hơn 525 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm giải ngân sẽ đạt 41 tỷ đồng. “Thủ tục giải ngân và các bước thực hiện trong nội bộ có khi mất đến 80 ngày mới có thể giải quyết được, vậy nên tiến độ giải ngân chậm”, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.
Với dự án sử dụng vốn vay từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) phân bổ cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện tại còn đang phải làm thủ tục ra hạn hiệp định vay, xin trả lại một phần vốn. Theo Bộ Tài chính, nếu ngay từ đầu thực hiện dự án, các trường dạy nghề được chủ trì mua sắm và chịu trách nhiệm mua sắm thì chắc chắn dự án đã được triển khai nhanh hơn. Sự chậm trễ trong giải ngân thực hiện dự án làm cho đại diện các trường dạy nghề khá bức xúc.
Tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có 2 dự án trong đó dự án phóng vệ tinh khá quan trọng và được phân bổ 1.273,9 tỷ đồng. Đại diện viện này cho biết, các hạng mục ở mặt đất đã thực hiện xong, nhưng vệ tinh chưa phóng lên quỹ đạo được nên chưa thể nghiệm thu được những phần công việc đã thực hiện. Dự kiến đến năm 2025, có thể giải ngân tiếp được phần vốn. Hiện tại, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa phải xử lý kế hoạch vốn của năm 2024 và làm thủ tục bổ sung vốn kế hoạch cho năm 2025.
Đại diện Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, với tình trạng giải ngân như hiện nay và các đơn vị tiếp nhận dự án chỉ báo cáo như vậy thì cần phải xem xét lại cách bố trí vốn. Trong năm nay, các đơn vị đang quá loay hoay với tâm lý không làm được thì trả và xin kéo dài thời gian bố trí vốn. Đây không phải là vấn đề có thể có thể giải quyết việc thúc đẩy giải ngân. Đây chỉ là biện pháp kỹ thuật nhằm làm giảm nhẹ trách nhiệm trong thực hiện giải ngân chậm, dứt khoát phải khắc phục sớm...
Đại diện vụ này cũng kiến nghị năm 2025 Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên dừng bố trí tiếp nguồn vốn này để các bộ, ngành, tổ chức tiêu hết vốn tồn đọng, tránh gây ra hệ lụy trong thực hiện khế ước với nước ngoài, kế hoạch trả nợ vốn và cả chất gánh nặng trả nợ lên ngân sách nhà nước.