> Tâm trạng 'khó tả' của Bộ trưởng Công thương khi tăng giá điện
> Mọi giá phải đáp ứng đủ điện…
Tăng giá, EVN có thêm 4.000 tỷ đồng?
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia ngành điện cho rằng, trong các yếu tố đầu vào của ngành điện thời gian qua, chỉ duy nhất giá than tăng mới thuyết phục được người dân. Nếu vin vào các yếu tố khác như cơ cấu nguồn điện, tỷ giá, EVN sẽ gặp bất lợi rất lớn. Bởi vì tỷ giá thời gian qua luôn ổn định và chỉ được tính chủ yếu ở khâu nhập máy móc, thiết bị đầu tư và hạch toán trong xây dựng cơ bản. Chứ không được hạch toán toàn bộ trong kinh doanh điện.
Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, muốn tạo được sự đồng thuận trong xã hội, yêu cầu phải công khai, minh bạch, nâng cao tính giải trình. Tại Điều 6, Luật Giá quy định cả cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan thông tin truyền thông… đều phải có trách nhiệm công khai thông tin về giá. “Đợt tăng giá lần này sẽ mang về khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng cho EVN từ nay đến hết năm. Điều đó cũng đồng nghĩa nền kinh tế phải tăng chi thêm ngần đó. Trong đó, các ngành sản xuất sẽ tăng chi phí thêm khoảng 1.800 tỷ đồng”, ông Thỏa nói.
Một chuyên gia khác cho rằng, với bộ máy cồng kềnh của EVN như hiện nay và việc thất thoát trong đầu tư là nguyên nhân khiến giá điện khó có thể giảm. EVN đang quản lý hơn 26.000 MW điện, nhưng có tới hơn 10 vạn cán bộ, công nhân viên.
Trong khi ở Ấn Độ, cơ quan điện lực nước này quản lý hơn 300.000 MW, nhưng chỉ cần tới hơn 4.000 cán bộ công nhân viên. Chỉ cần giảm được các khâu nhân sự không cần thiết vài nghìn người, áp lực chi phí của EVN tính vào giá thành điện mỗi năm sẽ giảm tới cả nghìn tỷ đồng.
“Nếu sòng phẳng, khi làm ăn thua lỗ ngoài ngành, lãnh đạo ngành điện phải bỏ tiền túi ra mà đền, ai làm lỗ khâu nào bỏ tiền ra đền khâu đó. Ngành điện có nói không dùng tiền tăng giá điện để bù đắp các thua lỗ ngoài ngành, nhưng thử hỏi lợi nhuận ngành điện phần lớn đến từ đâu. Không phải từ tăng giá điện thì từ nguồn nào?”, vị này nói.
Giá điện Việt Nam cao hay thấp?
“Điện là lĩnh vực đặc thù, có mấy chuyên gia biết được giá thành ngành điện. Trước khi tăng giá điện, các chuyên gia đầu ngành đã phải thẩm định cả tháng trời. Việc tăng giá điện có phải một mình EVN quyết được đâu”
Ông Đinh quang Tri
Trong phần trả lời truyền hình về việc tăng giá điện, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Đặng Huy Cường cho biết, từ ngày 20/4/2013, giá than bán cho điện đã tăng từ 37 – 40% làm tăng chi phí mà EVN mua điện từ các nhà máy điện chạy than khoảng 4.000 tỷ đồng trong quý III/2013. Cùng đó, EVN đang nợ Tổng Cty Khí quốc gia (PV Gas) trên 3.000 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn tiền khí phải trả vượt trên bao tiêu giai đoạn 2009 - 2012.
Về lý do tăng giá, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng GĐ EVN cho rằng, tăng giá điện đồng nghĩa các đơn vị bán điện cho EVN cũng được hưởng lợi do được tăng giá bán theo mức mới. Từ ngày 20/4, khi giá than bán cho điện điều chỉnh tăng, giá mua điện của EVN từ một số nhà máy đã được điều chỉnh tăng theo.
Theo ông Tri, năm nay EVN phấn đấu để xóa phần lỗ 7.900 tỷ đồng của sản xuất kinh doanh điện từ các năm trước. Còn khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá 15.000 tỷ đồng sẽ xử lý trong năm 2014 - 2015. EVN có lợi nhuận thì sẽ hạch toán để bù vào. “EVN sẽ tăng sản lượng những nhà máy phụ thuộc. Bằng cách lấy giá thành của thủy điện Sơn La và Hòa Bình, bình quân 500 đồng/kWh, để tăng lợi nhuận, bù lại giá than tăng lên quá mức tăng của giá điện”, ông Tri cho biết.
Đại diện EVN cũng cho rằng, với việc tăng giá lần này, giá bán lẻ điện của Việt Nam mới đạt khoảng 7,8 cent/kWh. Sau khi trừ phí phân phối 265 đồng/kWh (hơn 1 cent/kWh), phí truyền tải 81 đồng (khoảng 0,5 cent), giá điện của Việt Nam cũng chưa phải là cao. Mức giá này với những nhà đầu tư sử dụng than trong nước còn có thể cạnh tranh được (nếu phải nhập khẩu than chắc chắn bị lỗ).