Đó là những giới thiệu cơ bản nhất về chàng trai "đặt nền móng" đầu tiên cho trào lưu làm Vlog, người đi tiên phong, người "hứng gạch", người gây tranh cãi…
Sinh viên Kinh tế mê Triết học
Đầu năm lớp 12, khi còn đang là cậu học sinh chuyên Toán Ams, Lê Hưng tham gia học trao đổi văn hóa ở Mỹ, giành được học bổng và trở thành sinh viên Kinh tế của trường ĐH Ohio Wesleyan. Ít ai biết được, bên cạnh các môn học chính, cậu bạn này chọn môn học phụ là Triết học. Hưng có thể thao thao bất tuyệt về các trường phái, các hệ tư tưởng, câu chuyện "trải - ngộ"… như một người phải gấp đôi số tuổi 21. Có lẽ, xuất phát từ đam mê này mà trong không ít Vlog của duhocsinhmy bao hàm khá nhiều nhận định, suy nghĩ có phần rất sâu sắc và trưởng thành trước tuổi.
Giới thiệu như thế để thấy, trong tính cách của chàng trai này có những mâu thuẫn tưởng phi lý mà cực kỳ dễ thương. Chàng trai chuyên làm Vlog này, ngoài vẻ ngoài năng động, thể thao, quan tâm đến đủ thứ vấn đề đặc biệt là chuyện cơ bụng 6 múi… lại biết chơi piano từ nhỏ và giờ thừa khả năng để chơi lại được tất cả các bài hát từng nghe. Hoặc khác xa những đứa trẻ hồi bé mê truyện tranh, thích hoạt hình thì thế giới của Hưng là tủ sách của bố với những cuốn tiểu thuyết kinh điển hoặc sách học thuật dày cộp.
Tháng 11/2011, cái tên "Duhocsinhmy" xuất hiện lần đầu tiên với Vlog "Bạn nghĩ bạn giỏi tiếng Anh?", đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Sự xuất hiện của một chàng trai "không hề xấu", những câu chuyện thực tế về đời sống du học sinh, trải nghiệm từ những trường hợp có thật pha chút hài hước… Hoàn toàn không phải chỉ làm ra với mục đích để chơi, sản phẩm đầu tiên của Lê Hưng là điểm mở đầu cho cái cậu gọi là hệ thống, một bài toán kinh tế thực sự.
Vlog và câu chuyện "người hát cải lương"
Khởi điểm của Hưng là một cậu học sinh chuyên Toán tự tin, thông minh và thậm chí có phần hơi kiêu ngạo. Du học Mỹ, với cậu, là cả một bước ngoặt để thay đổi nhận thức. Ở một đất nước mà khả năng môn Toán của sinh viên châu Á, đặc biệt là sinh viên Việt Nam, được thừa nhận là nổi trội, lẽ nào mãi mãi chỉ mang "sở trường" của mình đấu với "sở đoản" của người khác? Làm thế nào để cạnh tranh ngang hàng, thậm chí, chiến thắng ở những hạng mục không phải thế mạnh ngay trên "sân khách"? Hưng bắt đầu nhìn cuộc sống của mình và bạn bè mình với con mắt khác. Trở nên tự tin hơn nhờ tham gia thể thao, tập gym để có vẻ ngoài ngon nghẻ, thực hành tiếng Anh trong những tình huống đòi hỏi độ khó cao… cậu học sinh chuyên Toán ngày nào dần rời xa những con số khô khan để tìm kiếm một thử thách mới. Thử thách, như cậu gọi vui là để giỏi tiếng Anh, ta cần làm được hai việc: "Cưa cẩm một cô gái Mỹ" và "xin tiền một người Mỹ".
Dĩ nhiên, khi Vlog này xuất hiện, đã có rất nhiều tranh luận nổ ra, "tung hoa" ủng hộ cũng có, mà "ném gạch" phản đối cũng có. Nhưng nếu được ngồi đối diện với cậu trong một quán café yên tĩnh, nghe Hưng giải thích, bạn mới có thể phần nào hiểu được nguồn gốc của câu chuyện này. Mong muốn trở nên hấp dẫn trong mắt người khác giới là mơ ước dễ hiểu của bất kỳ người trẻ nào, nhất là lại với những cô nàng đã quá quen nhìn dân châu Á như những sinh viên "nhỏ bé" và mọt sách. Còn "xin tiền một người Mỹ" là cách cậu giải thích về công việc mình từng làm ở trường đại học, tham gia một nhóm vận động các cựu học sinh đóng góp cho trường, những cuộc gọi mà cậu gọi vui là "phone-athon". Đó là những cuộc gọi mà hoặc bạn thành công với sự tự tin và điềm tĩnh của mình, khả năng thuyết phục tuyệt vời, hoặc thất bại thảm hại với những cú dập máy khi chưa kịp nói xong câu chào.
Vlog, thời gian đầu, trở thành đề tài được ưa chuộng của giới trẻ. Cho đến khi hàng loạt các Vlogger khác xuất hiện như: Jvevermind, Toàn shinoda… với các sản phẩm thu hút lượng view cao hơn hẳn. Khi được hỏi cảm giác thế nào khi bị "san sẻ" thị phần với hàng loạt "đối thủ" quá tiềm năng khác, Duhocsinhmy… chỉ cười rất tươi. Theo cậu thì khi mới xuất hiện, nói một cách hình ảnh, Duhocsinhmy chẳng khác gì một người "hát cải lương" trên một thị trường chưa phát triển về âm nhạc. Rồi dần dần, pop, rock, jazz, rap… xuất hiện, chia sẻ thị trường là điều tất yếu. "Mà nhất là mỗi người có quyền lựa chọn thể loại mình nghe, vẫn sẽ có những người thích nghe cải lương nhưng không nhiều". Rồi dần dần mọi thứ sẽ phải bị thay thế. Tức là Hưng đã sẵn sàng cho những thử nghiệm khác mới mẻ hơn.
Người trẻ sống "vội"
Hiện Hưng đang bảo lưu một năm học ở bên Mỹ để về làm việc tại Việt Nam. Nhận được học bổng trị giá 10.000 đôla của trường, cùng một nhóm bạn, cậu đang bắt tay xây dựng các sản phẩm điện tử, phim ngắn với mục đích làm marketing thương hiệu. Chàng trai này có một hoài bão hoàn toàn nghiêm túc: "Kiếm 1 triệu đôla trước năm 25 tuổi". Hơn ai hết, Duhocsinhmy là một kiểu người trẻ bị ám ảnh bởi sự hối thúc về thời gian. Hoặc mạo hiểm như chơi một cú "all in" trong poker, hoặc mãi mãi chững lại và chẳng thay đổi gì. Cậu coi cột mốc 25 là một cột mốc thực sự rất quan trọng trong việc định hình cả tương lai lẫn sự nghiệp của một con người sau này.
10 điều thú vị về "Duhocsinhmy":
Học organ từ năm 5 tuổi, học piano từ năm lớp 9, có thể chơi đệm lại bất kỳ bài hát nào sau khi nghe qua vài lần.
+ Nơi từng đến ấn tượng nhất: Cung điện Mùa Đông (Nga).
+ Số Vlog từng thực hiện: 21.
+ Tác giả ưa thích: Sidney Sheldon và Dan Brown (yêu thích hiểu theo nghĩa là mê mẩn).
+ Bộ phim ưa thích: Fight Club.
+ Đoạt giải Nhất thể loại phim ngắn trong cuộc thi do Aptech tổ chức vào năm 2010.
+ Có một cô em gái và cô em luôn rất thần tượng ông anh của mình.
+ Thích "phượt" và đọc sách.
+ Dù là học sinh lớp chuyên nhưng là dân "ngoại đạo" với tất cả các kỳ thi học sinh giỏi.
+ Môn thể thao khá khẩm nhất: Chạy bộ và đẩy tạ.
Theo Việt Anh
Sinh viên Việt Nam