Giải mã bí ẩn hộp sọ trẻ em rải đầy quanh hồ

Mới đây, các nhà khảo cổ học tại ĐH Basel (Thụy Sĩ) đã phát hiện nhiều hộp sọ của trẻ em đặt quanh hồ tại những ngôi làng cổ đại ở Thụy Sĩ và Đức.

Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận định, những chiếc hộp sọ này có từ thời kỳ đồ đồng. Một số hộp sọ trẻ em có dấu hiệu bị nứt, mẻ - vũ khí gây chấn thương rất có thể là bằng rìu; vài hộp sọ khác có chấn thương vùng đầu.

Tuy nhiên, nhà khảo cổ học Benjamin Jennings - tác giả nghiên cứu cho rằng, những trẻ em này có thể không bị giết mà chúng được đem ra để làm vật hiến tế, xoa dịu các vị thần. Sau đó, những đứa trẻ chết đi và được dâng lên các vị thần hồ để tránh lũ lụt.

Kể từ thập niên 1920. các nhà khảo cổ học đã phát hiện ngôi làng cổ xưa nằm rải rác quanh hồ Alpine ở Thụy Sĩ, Đức. Tuy nhiên, phải đến năm 1970 - 1980, nhiều khu vực quanh đây mới được khai quật. Các chuyên gia đã khai quật được rất nhiều công cụ săn bắn, xương động vật, đồ gốm, đồ trang sức, tháp canh cổng và hơn 160 ngôi nhà.

Căn cứ vào những vân gỗ, vòng sinh trưởng cây cối trong khu vực, các chuyên gia phỏng đoán con người có thể sống ở đây từ 2.600 - 3.800 năm trước.

Bức phác họa cư dân sống ở thời kỳ đồ đồng chôn cất hộp sọ trẻ em khu vực hồ nước nhằm dâng lên vị thần hồ

Cộng đồng cư dân sống ven hồ xưa kia luôn phải đối mặt với lũ lụt. Bất cứ khi nào mực nước trong hồ dâng cao, người dân nơi đây sẽ phải rời đi, di chuyển đến sống ở vùng đất khô ráo hơn.

Để thích ứng với mối đe dọa này, người dân nơi đây đã xây dựng nhà sàn và cột kèo bằng gỗ hay những rào chắn vững chãi làm từ cây thông. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tìm hiểu thêm được những chi tiết rùng rợn về bí ẩn hộp sọ trẻ em cùng mảnh xương ở ven hồ.

Qua nghiên cứu, Jennings và đồng nghiệp đã xem xét kỹ hơn những bộ xương hóa thạch. Các chuyên gia nhận định, những hộp sọ này là của những em bé khoảng 10 tuổi, có dấu hiệu bị sâu răng và mắc chứng bệnh về hô hấp.

Những chiếc sọ cho thấy những đứa trẻ trước khi chết bị chấn thương ở đầu do bị rìu hay vật cứng đánh. Rất có thể, các em bị chảy máu, mất và được chôn hộp sọ tại đó.

Jennings cho rằng: "Ở châu Âu, hộp sọ mang tính xã hội và biểu tượng cao. Do đó, chúng tôi sẽ xem xét kĩ hơn về giả thuyết việc chôn cất hài cốt, dâng hộp sọ tế thần như một cách để ngăn chặn lũ lụt xảy ra thời kỳ đồ đồng".

Ông nói thêm: "Chúng tôi phát hiện được rất ít trường hợp các ngôi mộ khác ở khu vực quanh hồ. Do đó, chúng tôi thực sự không biết phần lớn cư dân quanh hồ được chôn cất ở đâu và họ đã "đối xử" với người quá cố như thế nào".

Theo Theo Trí Thức Trẻ