Giải cứu gần 1.000 tấn thanh long rớt giá

Trong tổng số 1.500 tấn thanh long tồn đọng của Bình Thuận do thương lái Trung Quốc ngừng mua đã được doanh nghiệp nội địa thu mua, phân phối về một số địa phương gần 1.000 tấn
Khoảng 1.500 tấn thanh long rớt giá sẽ được tiêu thụ hết tại thị trường nội địa trong vài ngày tới. Ảnh: Hồng Châu.

Cuối vụ thu hoạch, riêng nông dân xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đang tồn khoảng 1.500 tấn thanh long, do thương lái đã ngừng mua hoàn toàn. Giá thanh long loại 1 xuống mức thấp nhất là 1.000 đồng một kg, loạt dạt (quả gãy tai) được bán 500 đồng mỗi kg. Không ít hộ thu hoạch xong để mặc ngoài ruộng, một số thuê xe chở lên đổ đống tại các vỉa hè TP HCM bán với giá 10.000 đồng 4kg.

Trước đó, Bình Thuận vốn là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất cả nước. Song từ giữa tháng 6, sức tiêu thụ và giá mua cũng đang có chiều hướng đi xuống khi giá thu mua chỉ còn 6.000-7.000 đồng, giảm hơn một nửa so với đầu năm. Theo các hộ trồng, lý do là các doanh nghiệp chuyên chở thanh long xuất sang Trung Quốc lãi rất ít, nên khi thu mua đợt hai họ quyết định giảm giá.

Tiếp tục hành trình giải cứu nông sản, lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hà Nội đã đến địa phương khảo sát, lên kế hoạch thu mua hỗ trợ cho bà con nông dân. Chia sẻ với PV, ông Đặng Như Quỳnh - Giám đốc doanh nghiệp này cho biết việc thu mua bắt đầu từ cuối tháng 8. Sau hơn một tuần triển khai, lúc này đơn vị đã tiêu thụ khoảng 1.000 tấn. Dự kiến, trong 10 ngày tới, số thanh long tồn sẽ được tiêu thụ hết.

Công ty thu mua quả xô tại vườn với giá 5.000 đồng một kg và vận chuyển bằng xe tải về các điểm bán tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng. "Riêng TP HCM, chúng tôi không bố trí điểm bán vì tránh cạnh tranh với bà con không chỉ Bình Thuận mà các tỉnh khác cũng đang đổ đống bán vỉa hè với giá rẻ", vị này nói.

Do chi phí vận chuyển khác nhau nên tại các điểm mức giá bán lẻ cũng được niêm yết mỗi khác. Trong khi Hà Nội được bán với giá 10.000 đồng một kg tại 3 điểm chính, thì Đà Nẵng có giá 8.000 đồng, Nghệ An và Thanh Hóa đồng giá bán 7.000 đồng mỗi kg.

Theo ông Quỳnh, ngoài lý do thương lái Trung Quốc ngừng mua, thì một phần do bà con dùng biện pháp kỹ thuật kìm giữ quả chín để bán cuối vụ được giá như mọi năm. Song trái với dự đoán, năm nay, thanh long Bình Thuận được mùa, sản lượng khá lớn nên cuối vụ càng mất giá.

Song song với bán lẻ tại các điểm, vị này cho biết doanh nghiệp đã làm việc với một công ty sản xuất nước giải khát tại Đà Nẵng để cung ứng nguyên liệu cho họ. Trung bình mỗi ngày nhà máy của công ty nhập khoảng 20-50 tấn quả và họ cam kết thu mua cho đến khi hết số tồn của địa phương.

Ngoài ra, ông Quỳnh cùng một số đối tác lên phương án cắt đầu đuôi và tai thanh long đóng gói bằng cách hút chân không nhằm tăng thời gian bảo quản. Nếu thành công khả năng sẽ xuất khẩu sang một số nước trong khu vực ASEAN trong đó, có một nhà nhập khẩu Singapore đã đặt vấn đề. "Lúc này chúng tôi đang gặp trục trặc tại khâu đóng gói vì tiêu chuẩn nguyên liệu xuất khẩu phải kiểm soát ngay tại vườn. Trong khi doanh nghiệp đang thu mua chỉ vì mục đích xử lý hậu quả để lại của thương lái nên không chủ động được nguyên liệu đạt chuẩn", ông bày tỏ. 

Theo ông, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp mỗi lần giải cứu nông sản cho bà con ngoài việc "một thân một mình", thì số liệu sản lượng tại địa phương quá mù mờ khiến các đơn vị không thể lường trước. "Có khi ban đầu chúng tôi được thông báo chỉ tồn vài chục nghìn tấn nhưng khi doanh nghiệp tham gia thu mua, sản lượng tồn lên đến vài trăm nghìn tấn, vượt quá năng lực của đơn vị. Do đó, doanh nghiệp nông sản cần một cơ chế hỗ trợ của nhà nước trong việc tiêu thụ, trong đó, minh bạch số liệu sẽ giúp chúng tôi không bị động", vị này thẳng thắn.

Từ những lần giải cứu dưa hấu, vải thiều, khoai lang, cua... tại các địa phương trước đó, ông Quỳnh cho rằng sức tiêu thụ nội địa về các mặt hàng nông sản là có, thậm chí rất lớn. Riêng với thanh long ruột tím, khi khảo sát tại các địa phương, trong đó có Hà Nội, nhiều nơi đang bán với giá 40.000 đồng mỗi kg, chợ đầu mối là 25.000 đồng. Còn tại Vinh (Nghệ An) ngay cả quả loại 2 bán với giá 15.000 đồng. Giá thành quá cao so với thông thường, vì vậy giá bán lẻ 10.000 đồng một kg thanh long thì không có lý do gì không thể tiêu thụ hết sản lượng cho vùng trồng.

Để chuẩn bị cho việc tiêu thụ nông sản "dài hơi", lãnh đạo doanh nghiệp đang triển khai xây dựng một nhà máy chế biến tại Quy Nhơn (Bình Định) có công suất 1.000-1.200 tấn nông sản mỗi ngày. Hiện, việc lắp đặt nhà xưởng và thiết bị máy móc đang gấp rút. Ông cho biết đang làm việc với một số đối tác tại châu Âu để nhập thiết bị ép trái cây đóng lon với dây chuyền khép kín. Ngoài ra, nhà máy sẽ được thiết kế thêm lò sấy đảm bảo sấy khô khoảng 150 tấn trái cây đạt chuẩn xuất khẩu.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết khi nhân dân tệ biến động, nông sản trong đó có thanh long khó tránh khỏi rủi ro ở thị trường láng giềng Mặt khác, các thương lái Trung Quốc rất am hiểu tình hình mùa vụ thanh long tại Việt Nam nên nếu hàng được mùa, họ có thể ép giá khi đang thu hoạch rộ.

Trước đó, trao đổi với PV ông Nguyễn Như Cường – Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết để khắc phục tình trạng được mùa rớt giá như thanh long và một số nông sản khác, cơ quan quản lý đã có chính sách rải vụ, hạn chế hạn chế tính thời vụ của các sản phẩm nông nghiệp. Riêng với thanh long, vị này cho rằng ngoài tập trung xuất khẩu, cần thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Do đó, cùng với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất và mở rộng thị trường nội địa từng bước tháo gỡ tình trạng rớt giá như hiện nay.

Theo Theo VnExpress