Giá xăng, phí vận chuyển leo thang, ngành điều xin giảm 600 triệu USD chỉ tiêu xuất khẩu

TPO - Giá điều thô nguyên liệu tăng cao, cộng với chi phí xăng dầu, vận chuyển liên tục leo thang đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều phải giảm quy mô sản xuất. Ngành điều vừa xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu xuống 3,2 tỷ USD so với con số con số mục tiêu 3,8 tỷ USD đặt ra đầu năm nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 5, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 49,9 nghìn tấn, trị giá 304,65 triệu USD (giảm 6,4% về lượng và giảm 7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái). Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu điều đạt 202,9 nghìn tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 5,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong tháng 5, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực giảm. Đặc biệt, đến thời điểm này, dù xuất khẩu điều của Việt Nam đã vượt con số 1 tỷ USD, nhưng do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine và việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero COVID” xuất khẩu điều của Việt Nam sang thị trường châu Âu và Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, điều đáng lo hiện tại xuất phát từ giá điều thô nguyên liệu tăng hơn 15-20% so với năm trước, cộng với chi phí xăng dầu, vận chuyển tăng cao trong khi giá điều nhân xuất khẩu không tăng đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tình trạng thiếu container rỗng kéo dài cũng dẫn tới nhiều lô điều thô nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam bị chậm tiến độ, một số phải lưu kho thời gian dài làm giảm chất lượng.

Theo nhận định của Hiệp hội Điều Việt Nam, số lượng nhân điều xuất khẩu dự báo sẽ giảm trong những tháng tiếp theo, có thể kéo dài đến hết năm 2022. Trước tình hình trên, Hiệp hội Điều Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều cả năm xuống còn 3,2 tỷ USD (giảm 600 triệu USD so với năm 2021).

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật và hướng dẫn thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ…Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần giao hàng đúng tiến độ để giữ uy tín, và đảm bảo phương thức giao hàng an toàn.